Chị Hồng đang tính tiền hàng ve chai |
Từ một người bán ve chai không biết chữ, không biết làm phép tính, sau ba năm chị Huỳnh Thị Ánh Hồng đã tự học và trở thành bà chủ ve chai. Điều rất trân trọng là sau khi nhặt được số tiền 5 triệu yên Nhật, chị Hồng đã làm từ thiện, tạo điều kiện cho những người cùng cảnh ngộ như chị trước đây có cơ hội vươn lên.
Bước ngoặt cuộc đời
Một ngày đầu tháng 5/2017, chúng tôi tìm đến nhà chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (quê Quảng Ngãi) trong căn nhà nhỏ cấp 4 nằm trên đường Trần Văn Quang, Q. Tân Bình, TP.HCM. Chị Hồng là người gây xôn xao dư luận khi nhặt được 5 triệu yên Nhật trong thùng loa cũ cách đây 3 năm. Sau khi bất ngờ thành triệu phú, chị Hồng vẫn gắn bó với nghề thu mua phế liệu và giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ với mình…
Trong căn nhà tuềnh toàng chứa đầy ve chai vừa là nơi sinh hoạt hàng ngày, vừa là nơi tập kết phế liệu mua lại từ người dân, chúng tôi chứng kiến cảnh sống hạnh phúc của gia đình chị và những đồng nghiệp mua bán ve chai. “Dồn hàng lẹ lên còn ăn cơm nhé”, một người phụ nữ bên trong nhà nói vọng ra như thúc mọi người. Rửa vội mặt mũi, chân tay, chị Hồng và những đồng nghiệp ngồi vào mâm cơm có cá chiên, rau luộc được dọn ra ngay dưới sàn nhà. “Mấy chị này đều từ Quảng Ngãi vào Sài Gòn mưu sinh. Do cùng khổ nên chúng tôi sống đùm bọc, gắn kết với nhau như chị em ruột thịt…”, chị Hồng vui giọng giới thiệu với chúng tôi.
Có thể nói, nhìn bữa cơm của chị Hồng và những người khác đang ăn, chúng tôi cảm thấy vui lây vì đầy ắp tiếng cười. Sau bữa cơm, chị Hồng kể: “Bước ngoặt” cuộc đời xảy ra vào cuối năm 2013, trong lúc đi mua ve chai ở góc đường Âu Cơ - Trần Văn Quang (Q. Tân Bình), tôi được một người đàn ông bán cho hộp sắt hình vuông cao khoảng 0,5m, đã gỉ sét, bên dưới có 4 chiếc bánh nhựa, với giá 100.000 đồng. Do thời điểm đó sắt đang rẻ nên tôi để dành khi nào sắt lên giá sẽ đập ra bán kiếm lời. Khi đập chiếc loa ra, thấy bên trong có 1 chiếc hộp bằng gỗ ép, mở hộp gỗ ra, nhiều tờ tiền bay tung tóe ra ngoài đường, lúc này, vợ chồng tôi nghĩ đó là tiền giả. Đâu có được ăn học đàng hoàng, nên không biết chữ nghĩa, cứ tưởng tiền âm phủ, chứ không hề biết nó là tiền Nhật…”.
Lời đồn về người nhặt ve chai “trúng kho báu” lan đi rất nhanh. “Khi mới nhặt được tiền, cuộc sống của gia đình tôi có quá nhiều xáo trộn. Lúc đó, ngày nào, vợ chồng tôi cũng phải tiếp khách. Sau đó, còn có một số thanh niên mặt mày bặm trợn đứng ngoài đầu hẻm nói là chủ nhân của số tiền 5 triệu yên Nhật. Có một số người tìm đến tận nhà trọ để xin tiền. Lúc đó, vợ chồng tôi rất sợ. Sợ quá, vợ chồng tôi quyết định đem nộp toàn bộ số tiền trên cho công an phường. Sau đó, cơ quan chức năng thông báo số tiền tôi nhặt được là hơn 520 tờ mệnh giá 10.000 yên Nhật, tương đương 1 tỷ đồng tiền Việt”, chị Hồng kể.
Đến giữa năm 2015, Công an Q. Tân Bình đã trao số tiền hơn 5 triệu yên cho chị Hồng. Chị tâm sự, vì cái nghèo phải bỏ quê lên Sài Gòn làm lụng cực khổ nên hai vợ chồng anh chị chưa bao giờ dám mơ đến một ngày mình có số tiền lớn như thế. “Lúc đó, tiền đã nằm trong tay rồi mà mình vẫn cứ ngỡ như đang mơ, nước mắt như chực rơi xuống vì lộc trời dành cho gia đình tôi quá lớn. Sau đó, tôi trích ra một khoản làm từ thiện, còn lại để làm ăn, nuôi con ăn học, sửa lại căn nhà dột nát ở quê và trả ơn những người giúp đỡ mình...”, chị Hồng nhớ lại.
Chị Hồng và những đồng nghiệp ăn vội bữa cơm trưa |
Tập làm phép tính, dùng zalo, facebook bán ve chai
Sau ba năm sở hữu 5 triệu yên có trong thùng loa cũ mua được, hiện chị Huỳnh Thị Ánh Hồng vẫn tiếp tục công việc suốt 18 năm qua của mình tại TP.HCM. “Nhiều người nói nghề này dơ dáy, có tiền rồi bỏ đi kiếm cái khác làm ăn, nhưng tôi cho rằng mình đã chọn đúng nghề. Vì ít học, chữ nghĩa không có và nhiều người cũng nuôi con ăn học bằng nghề này nên tôi quyết không bỏ nghề. Lúc trước, thay vì đi gom nhặt khắp nơi, giờ có vốn mở vựa thu mua nên đỡ vất vả hơn”, chị Hồng nói.
Theo lời chị Hồng, lý do chị chuyển thành bà chủ bất đắc dĩ bởi tháng 10/2016, người chủ chị hay bán ve chai bỗng dưng không mua ve chai nữa, chấm dứt hoạt động khiến hàng chục phụ nữ lâm vào cảnh thất nghiệp. Thương chị em ve chai, nên chị quyết định bỏ ra hơn trăm triệu mua với giá cao hơn một xíu. “Tôi mua cao hơn chỗ khác một chút vì tình nghĩa chị em lúc trước cùng nhau đi mua ve chai. Lúc mở vựa, tôi chỉ biết đọc bập bõm, chỉ biết viết sơ sơ và chỉ biết tính nhẩm nên rất khó khăn trong việc làm ăn. Tôi nhờ con gái mua sách tập đọc, làm phép tính cấp tiểu học để bày cho tôi học. Rồi hàng đêm, con gái tôi kèm cặp dạy những chữ cái, phép tính đơn giản. Nhờ đó mà tôi biết tính. Từ trước tới giờ, suốt ngày chỉ biết đẩy xe thu mua ve chai kiếm sống, không nghĩ sẽ có ngày được học biết chữ, biết số, biết tính nên tôi rất vui”, chị Hồng khoe.
Khoảng tháng 11/2013, chị Hồng mua được chiếc loa cũ trong lúc thu mua ve chai. Sau đó, chị phát hiện bên trong có 5 triệu yên Nhật. Trước sức ép của nhiều người đến xin tiền, chị đem giao nộp cho Công an Q. Tân Bình nhờ tìm chủ nhân nhưng không thấy. Theo quy định, chị được hưởng trọn vẹn 5 triệu yên, tương đương 1 tỷ đồng. Chiều 2/6/2015, Công an Q. Tân Bình, TP HCM, mời chị Huỳnh Thị Ánh Hồng đến ngân hàng để trao lại 5 triệu yên Nhật. |
Được biết, ngoài việc nhờ con gái chỉ phép tính để bán ve chai, chị Hồng còn nhờ con tạo tài khoản zalo, facebook để tiện chụp hình hóa đơn, trao đổi nhanh với các mối thu mua ve chai. Chính vì thế, công việc làm ăn hiện nay thuận lợi hơn rất nhiều.
Chỉ tay vào đứa con gái lớn, chị kể: “Vợ chồng tôi đón cả hai đứa vào ăn học. Bé lớn học hành không nổi nên nghỉ sớm, con gái lớn cũng thường xuyên cân hàng, tính hóa đơn mỗi khi tôi đi vắng. Lúc trước, con gái có đi học nghề làm tóc, nhưng sau này mở vựa nên bảo con về phụ giúp mẹ. Dự định vài năm nữa, nếu làm ăn ổn định sẽ mở tiệm làm tóc cho nó tự làm. Còn đứa con trai 13 tuổi đang học gần nhà, quyết tâm nuôi con ăn học thành tài. Bản thân mình ăn học không tới nơi, tới chốn nên không để con cái khổ như mình”.
Nhiều bà con xung quanh cho biết, kinh tế khá hơn trước nhưng chị Hồng vẫn thân thiết với những bạn ve chai mà chị hay gọi vui là đồng nghiệp, nhất là những người đồng hương. Điều mà bà con xung quanh trân trọng với việc làm của chị Hồng, ngoài giúp đỡ tiền, chị còn thuê một căn nhà giá 6 triệu đồng/tháng cho 10 người mua ve chai cùng ở và chỉ thu số tiền tượng trưng. “Họ là những đồng nghiệp với tôi từ trước đến giờ và gặp nhiều khó khăn. Nay tôi đỡ hơn nên tạo chỗ ở để họ yên tâm đi mua ve chai, họ đi hàng nhiều thì về bán lại cho tôi nhiều. Mỗi khi rảnh hay vừa bán được hàng tôi lại kêu mọi người cùng qua ăn cơm cho vui”, chị Hồng nói.
Chị Huỳnh Thanh Thúy là người ở chung với chị Hồng chia sẻ: “Từ ngày mở vựa, tôi ở lại phụ giúp chị Hồng phân loại ve chai. Mỗi tháng tôi được chị Hồng trả cho 3 triệu đồng và bao ăn ở. Nhiều lúc làm tốt chị Hồng thưởng thêm. Với số tiền này, tôi gửi về quê cho gia đình là vui rồi…”.
Sau một ngày làm việc mệt mỏi, “triệu phú ve chai” và những đồng nghiệp thường hát karaoke, chị em vui vẻ quây quần bên nhau. “Mình thật thà chất phác, may mắn được ông bà thương. Giờ chỉ biết cố gắng làm ăn, mong công việc thuận lợi để nuôi con cái ăn học, giúp đỡ chị em trong nghề đang gặp khó khăn”, chị Hồng chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận