Chuyện dọc đường

“Chìa khóa” tăng trưởng

25/01/2018, 07:29

Năm 2017, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vượt xa kỳ vọng khi đạt mức 6,81%.

2

QL1 đoạn qua Hà Tĩnh từ khi hoàn thành mở rộng, nâng cấp đã hết hẳn những vụ tai nạn đối đầu trực tiếp - Ảnh: Văn Thanh

Sau khó khăn chạm đáy vào năm 2011-2012, kinh tế Việt Nam những năm gần đây đang cho thấy sự tăng trưởng rất ổn định ở mức cao, nhất là các lĩnh vực dịch vụ, vận tải...

Đáng ghi nhận hơn, hiệu quả đầu tư và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế được đánh giá có nhiều cải thiện và bền vững hơn nhiều những năm trước. Minh chứng là theo Báo cáo đánh giá năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng từ 4,31 năm 2016 lên 4,4 năm 2017. Xếp hạng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam tăng 5 bậc so với năm 2016 và tăng 20 bậc so với 5 năm trước đây.

Để có được những kết quả đó là sự nỗ lực của Chính phủ và các Bộ ngành trong việc điều hành nền kinh tế, sự định hướng đúng đắn, kịp thời về chính sách của Đảng, Nhà nước, Quốc hội. Nhưng một thuận lợi rất lớn không thể không nhắc đến góp phần không nhỏ vào thành công đó chính là hệ thống hạ tầng nói chung và giao thông nói riêng đã và đang được cải thiện đáng kể.

Không phủ nhận dù còn một số bất cập cần phải tiếp tục tháo gỡ, chủ trương thu hút vốn đầu tư xã hội hóa mang lại diện mạo mới cho hệ thống kết cấu hạ tầng. Nhưng theo các chuyên gia kinh tế, trên thế giới, năng lực về hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông là thước đo thể hiện sự tiến bộ của một quốc gia. Ở Việt Nam, thời gian qua, rất nhiều tuyến đường cao tốc hiện đại, cùng đó là hàng loạt tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ được mở mới và nâng cấp cải tạo; Đặc biệt là tuyến huyết mạch QL1 Thanh Hóa - Cần Thơ được nâng cấp, cải tạo đồng bộ lên 4 làn xe góp phần “mở toang” cánh cửa giao thương phát triển kinh tế, thu hút vốn đầu tư cho nhiều tỉnh, thành từ Bắc chí Nam.

Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông Trần Xuân Sanh nhiều lần chia sẻ, QL1 cũ được cải tạo từ năm 2000, chỉ có hai làn xe cơ giới. Sau hơn 10 năm đưa vào khai thác, mặt đường quốc lộ này ngày càng xuống cấp, lưu lượng xe gia tăng đột biến khiến “mạch máu” giao thông quốc gia rất chật hẹp. Sau khi các dự án được đưa vào khai thác, QL1 từ Hà Nội - Cần Thơ với 4 làn xe hiện đại đã giảm thời gian chạy xe ít nhất 7-10 giờ và tạo điều kiện đáng kể để người dân phát triển KT-XH, thúc đẩy giao thương.

Đến nay, sau hơn 2 năm thông xe toàn tuyến, QL1 càng khẳng định được vai trò của mình trong việc góp phần khắc phục “điểm nghẽn” của nền kinh tế. Dù một số đoạn thực hiện theo hình thức BOT, lưu thông phải trả phí, tuy nhiên những lợi ích mang lại của tuyến huyết mạch quốc gia là vượt trội. Ngoài việc lưu thông an toàn hơn, TNGT giảm mạnh, chi phí vận tải vẫn thấp hơn do đường êm thuận, tiết kiệm nhiên liệu, giảm thời gian lưu thông, giảm khấu hao và sửa chữa phương tiện. Nỗi ám ảnh về ùn tắc liên miên trên cung đường Bắc - Nam gần như được xóa bỏ. Đây chính là chìa khóa để “mạch máu” vận tải nói riêng, tốc độ lưu thông, tăng trưởng của nền kinh tế nói chung vận hành trơn tru và tăng trưởng ở mức cao và ổn định trong những năm vừa qua.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.