Tài chính

“Chìa khóa” tăng trưởng 2021 nằm ở đâu?

12/07/2021, 06:41

Báo cáo cập nhật tháng 6/2021 của Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng Việt Nam ở mức 6,6% dù đã tính đến tác động của làn sóng dịch lần thứ 4.

img

Theo các chuyên gia, để đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra, Việt Nam cần đẩy mạnh chiến lược tiêm vaccine để sớm tạo được miễn dịch cộng đồng, ổn định sản xuất. Ảnh: Tạ Hải

Kết luận phiên họp Chính phủ vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng năm 2021 (có 2 kịch bản là mức 6% và 6,5%).

Gần đây, dịch lại tiếp tục bùng phát mạnh tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, riêng TP.HCM đã phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trong vòng 15 ngày, nhiều địa phương khác giãn cách theo Chỉ thị 15. Trong bối cảnh như vậy, làm thế nào để đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra?

Nhiều cơ sở để tin tưởng

Theo 2 kịch bản tăng trưởng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, tăng trưởng GDP cả năm 6% theo kịch bản 1 và 6,5% theo kịch bản 2. Trong đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6%, quý III cần đạt mức tăng trưởng là 6,2%, quý IV tăng 6,5%. Để đạt được mục tiêu 6,5%, quý III phải đạt mức tăng trưởng là 7% và quý IV tăng 7,5%.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang có dấu hiệu diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng để đạt mục tiêu như trên là thách thức lớn. Tuy nhiên, mục tiêu này là có cơ sở và trong khả năng thực hiện được.

Theo chuyên gia kinh tế cấp cao, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, căn cứ mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2021, có thể dự báo GDP 6 tháng cuối năm đạt mức tăng trưởng trên 7%, tạo đà cho tăng trưởng cả năm ở mức trên 6,5%.

Dự báo này căn cứ vào việc mặc dù dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp nhưng tổng thể thì chúng ta vẫn đang kiểm soát tốt. Sản xuất trong nước cũng đạt mức tăng trưởng khả quan, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng mạnh, có thể đạt mức 17 - 18% trong các tháng cuối năm.

“6 tháng đầu năm dịch Covid-19 hoành hành ở nhiều tỉnh thành, đặc biệt tập trung ở các tỉnh có khu công nghiệp lớn như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương… tuy nhiên, chúng ta vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng 5,64%”, ông Thịnh đề cập đến lý do khiến nhiều chuyên gia tin rằng mục tiêu đề ra trong cả năm 2021 hoàn toàn có thể đạt được. Cũng theo ông Thịnh, sự khởi sắc của kinh tế trong 6 tháng đầu năm sẽ là tiền đề lớn cho sự bứt phát của 6 tháng cuối năm.

Ông Thịnh phân tích, kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng mạnh, xuất khẩu tăng 28,4%, nhập khẩu tăng 36,1% và chủ yếu là nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.

Đây là tín hiệu đáng mừng, bởi điều này cho thấy các doanh nghiệp đang nỗ lực tích trữ nguyên vật liệu, linh kiện sẵn sàng cho tái sản xuất trở lại sau làn sóng Covid-19 thứ 4.

Chuyển biến tích cực tiếp theo ở 6 tháng đầu năm là tốc độ giải ngân vốn FDI tăng cao (khoảng gần 8%). Điều này cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam tiếp tục được củng cố. Một lý do nữa là nền kinh tế thế giới đang hồi phục tốt, các nước dần mở cửa trở lại, xuất khẩu của Việt Nam vì thế đang tăng mạnh.

Đẩy mạnh chiến lược tiêm vaccine, hỗ trợ doanh nghiệp

Dù lạc quan, song ông Thịnh cũng bày tỏ những lo ngại và khó khăn trong bối cảnh biến chủng mới của Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới và Việt Nam. Nếu dịch không được kiểm soát tốt, chắc chắn mục tiêu sẽ bị ảnh hưởng.

Tương tự, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, con số 6% hoặc 6,5% là con số áp lực trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và nguồn cung vaccine còn hạn chế.

“Đẩy mạnh tiêm chủng và giữ cho dịch không bùng phát là nhân tố quan trọng để thực hiện mục tiêu kép. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân và giữ cho dịch bệnh không lây lan vào các doanh nghiệp, các khu công nghiệp”, ông Hiếu nói và nhận định, từ nay đến cuối năm, ít nhất chúng ta phải đạt được 30% dân số được tiêm chủng, sang năm 2022 con số này phải là 70 - 80% để tạo được miễn dịch cộng đồng, ổn định sản xuất.

Cũng theo ông Hiếu, một trong những nội dung cần được quan tâm đó là sự phục hồi sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

“Vừa qua, dịch bệnh Covid-19 hoành hành ở những tỉnh có nhiều khu công nghiệp lớn như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương… chúng ta thấy được sự tác động mạnh như thế nào.

Doanh nghiệp không thể hoạt động, công nhân không thể đi làm, hậu quả kéo theo là hàng loạt các dịch vụ khác bị ảnh hưởng”, ông Hiếu dẫn chứng đồng thời cho rằng, gói 26.000 tỷ của Chính phủ cần được triển khai nhanh chóng, không được chậm trễ.

Cũng cho rằng việc nhanh chóng đẩy mạnh tiêm vaccine sẽ là “chìa khóa” cho sự thành công trong phát triển kinh tế, GS. Trần Thọ Đạt, Trường ĐH Kinh tế quốc dân nhận định, tốc độ phát triển kinh tế sẽ phụ thuộc và có mối quan hệ chặt chẽ với tiến độ triển khai chiến lược tiêm vaccine. Trong bối cảnh mới này, đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine Covid-19 sẽ là giải pháp căn cơ, mang tính quyết định.

Ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng thì phân tích, động lực tăng trưởng của Việt Nam hiện chủ yếu vẫn đến từ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nhất là nông thủy sản, linh kiện điện tử; gia tăng đầu tư và mở rộng hoạt động thương mại khi tận dụng các hiệp định thương mại đã ký.

Do đó, cũng cần tính đến những rủi ro, nhất là tỉ lệ tiêm chủng vaccine chưa đồng đều giữa các quốc gia và nền kinh tế. Ngoài ra, tăng trưởng còn chịu ảnh hưởng bởi nhiều khó khăn trở ngại như năng lực nội tại của nền kinh tế thấp, phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, tỷ lệ tiêm vaccine còn thấp…

“Việc đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra là thách thức lớn trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, tuy nhiên, chúng ta có nhiều cơ sở để tin tưởng. Nhiều tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 đạt 6,5%.

Đặc biệt, báo cáo cập nhật tháng 6/2021 của WB dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6,6% dù đã tính đến tác động của làn sóng dịch lần thứ 4”, ông Ngân thông tin.

Cũng như các chuyên gia khác, ông Ngân cho rằng, để đạt được con số tăng trưởng theo 2 kịch bản đề ra, chiến lược tiêm vaccine thần tốc, độ lớn gói hỗ trợ của Chính phủ, quyết tâm tháo gỡ các vướng mắc trong các khâu thủ tục phục vụ sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh giải ngân đầu tư công theo đúng kế hoạch từ các bộ, ngành và các địa phương… sẽ là những yếu tố quyết định.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải:
Tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh

img

Trao đổi với Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải thông tin, trong điều kiện khó khăn do dịch Covid 19 lan rộng ở nhiều địa phương, tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại 6 tháng đầu năm 2021 tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng khá.

Theo đó, sản xuất công nghiệp tăng 9,3%, vượt xa con số 2,71% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,6%, bám sát kịch bản tăng trưởng và kế hoạch đề ra.

Đáng chú ý, xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đạt mức tăng bền vững, ngưỡng 28,4% (cùng kỳ chỉ tăng 0,2%) và có mức tăng trường 2 con số ở tất cả ngành hàng quan trọng như: Điện tử, dệt may, giày dép, máy móc thiết bị, thủy sản... và ở các thị trường lớn như: Mỹ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN. Nhập khẩu cũng tăng 36,1% do sản xuất được mở rộng, thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào.

Ông Hải cho biết, bên cạnh những yếu tố tích cực như các nền kinh tế là đối tác thương mại lớn đang trên đà phục hồi, cầu hàng hóa tăng, tạo cơ hội cho xuất khẩu, chúng ta cũng gặp không ít những rủi ro như dịch lan vào khu công nghiệp dẫn đến việc mất thu nhập, mất việc làm giảm tổng cầu và tiêu dùng. Chi phí nguyên liệu đầu vào vẫn ở mức cao, chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp. Các dự án lớn không triển khai được vì thiếu chuyên gia nước ngoài và chuyên gia bậc cao.

Một nỗi lo khác chính là tác động của dịch bệnh khiến nhu cầu tiêu dùng hàng hóa có thể sẽ giảm sút, đặc biệt việc tiêu thụ hàng hóa nông sản ở một số địa phương khi vào vụ cũng có thể bị ảnh hưởng.

Thời gian tới, dự kiến dịch bệnh vẫn sẽ còn diễn biến phức tạp, đặc biệt ở khu vực phía Nam, Bộ sẽ tiếp tục quyết liệt triển khai các giải pháp hữu hiệu nhằm vừa bảo đảm phòng dịch vừa duy trì, ổn định và phát triển sản xuất để có thể khống chế được tình hình dịch bệnh trong thời gian sớm nhất. Bộ cũng ưu tiên đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi nhất cho sản xuất, kinh doanh.

Hồng Hạnh (Ghi)

TS. Lê Đăng Doanh (nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế T.Ư):
Mấu chốt vẫn là chiến lược “Vaccine + 5K”

img

Muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng đặt ra thì trước hết phải kiểm soát được dịch bệnh. Nếu không kiểm soát được dịch bệnh thì khó có thể đạt được tăng trưởng kinh tế, vì lúc ấy phải bảo đảm tính mạng, sức khỏe của người dân trước.

Do đó, điều đầu tiên cần làm hiện nay vẫn là dập dịch, thực hiện chiến lược “ Vaccine + 5K”. Tiếp đó là bảo đảm đời sống của người dân và sức lao động. Việc hỗ trợ người dân nói chung và người lao động trong các khu vực sản xuất để họ đảm bảo được đời sống là rất quan trọng.

Ngoài các giải pháp mà Chính phủ đã thực hiện để hỗ trợ doanh nghiệp như giãn, giảm, hoãn thuế, phí, giảm lãi suất, một trong những biện pháp có thể làm được và làm tốt thời điểm hiện nay là vận dụng kinh tế số, đẩy mạnh Chính phủ điện tử để hỗ trợ phát triển kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh không biết khi nào mới kết thúc.

Lưu Thủy (Ghi)

Nông nghiệp tăng trưởng cao nhất 10 năm dù dịch bệnh

Trao đổi với Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thông tin, 6 tháng đầu năm 2021, dù chịu tác động của dịch bệnh Covid-19, tốc độ tăng giá trị sản xuất (GTSX) toàn ngành vẫn đạt 3,84%; Tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt 3,82% - là mức tăng cao nhất trong 6 tháng đầu năm của 10 năm trở lại đây và vượt mức chỉ tiêu 3,34% Chính phủ giao.

Dù xác định nhiệm vụ từ nay đến hết năm 2021 rất lớn, khó khăn song ông Tiến tự tin cho rằng, ngành sẽ đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng năm 2021 (cao hơn mức tăng trưởng 2,78% Chính phủ đã giao), dựa trên nền tảng thành tựu đã có được và bài học kinh nghiệm sau hơn 1 năm thực hiện “mục tiêu kép”. Cụ thể, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3 - 3,2%, tốc độ tăng GTSX toàn ngành 3,2 - 3,5%.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Thứ trưởng Tiến cho biết, ngành đã đặt ra nhiệm vụ “quyết tâm cao hơn - đồng bộ hơn - sáng tạo hơn”.

Theo đó, Bộ sẽ tổ chức rà soát tổng thể, toàn diện hệ thống cơ chế, chính sách (nhất là chính sách về đất đai, đầu tư, tài chính, bảo hiểm, tín dụng, thương mại...) để điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Đồng thời, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các luật, chiến lược, chương trình, đề án, quy hoạch phát triển ngành; Đẩy nhanh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; Phấn đấu giải ngân cả năm 2021 tỷ lệ giải ngân đạt 100% vốn trong nước và 90% vốn nước ngoài.

Hồng Hạnh

Tiến tới đạt miễn dịch cộng đồng vào đầu 2022

Tại lễ phát động triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trên toàn quốc do Bộ Y tế phối hợp với Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan tổ chức ngày 10/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, với nỗ lực của các cấp, các ngành và Bộ Y tế, Việt Nam có được 105 triệu liều vaccine trong năm 2021 và tiến tới đạt 150 triệu liều để tạo miễn dịch cộng đồng trong cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Riêng trong tháng 7/2021, hơn 9 triệu liều vaccine được chuyển cho Việt Nam, đúng vào thời điểm dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp tại TP HCM và một số tỉnh, thành phố phía Nam. Tất cả các vaccine được Bộ Y tế cấp phép sử dụng và đưa về Việt Nam đều đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 với quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng tại Việt Nam lần này huy động tổng lực các lực lượng với hàng chục nghìn cơ sở y tế, hàng vạn cán bộ y tế và các lực lượng khác trong cả nước Trung ương và địa phương, gồm cả lực lượng dân y và quân y, cả công lập và tư nhân.

Cùng ngày, Bộ Y tế đã tiếp nhận 2 triệu liều vaccine Moderna của Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ thông qua cơ chế COVAX. Ngoài lô vaccine này, Việt Nam trước đó đã tiếp nhận 2.493.200 liều vaccine AstraZeneca thông qua Cơ chế COVAX.

Kể từ khi lô vaccine đầu tiên đến Việt Nam hồi đầu tháng 4 thông qua Chương trình COVAX, đến nay cả nước đã tiêm gần 4 triệu liều vaccine phòng Covid-19.

P.V

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.