Các bệnh viện (BV) dã chiến ở tầng 2 thu dung điều trị hàng vạn bệnh nhân Covid-19 vẫn đang đối mặt với thiếu thốn cả về nhân lực và trang thiết bị y tế, trong khi đây lại là tầng quyết định đến việc giảm bệnh nhân trở nặng và tử vong.
Điều trị cho bệnh nhân Covid-19 ở Bệnh viện Dã chiến số 10 tại TP.HCM
Khó khăn ở tầng 2 điều trị Covid-19
Theo chia sẻ của anh Nguyễn Thế Thiêm (Đoàn chi viện BV Sản Nhi Quảng Ninh) hiện đang làm nhiệm vụ tại BV Dã chiến số 12 TP.HCM, với 74 nhân viên y tế (bao gồm bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên), trung bình mỗi người đang được giao theo dõi, điều trị cho khoảng hơn 100 bệnh nhân.
Mỗi ngày chia đều 3 ca 4 kíp, đội ngũ nhân viên y tế xoay vần với cả núi công việc ở 3 phân khu Sàng lọc, Lâm sàng và Cấp cứu.
“Do đây là cơ sở y tế thuộc tầng điều trị thứ 2, có nhiệm vụ thu dung những bệnh nhân nhẹ. Nhưng số lượng bệnh nhân nhập viện liên tục và rất lớn, đủ mọi lứa tuổi và nhiều bệnh nhân đi kèm với bệnh nền… tạo áp lực lớn cho các y, bác sĩ điều trị. Bởi, bác sĩ ở BV Dã chiến đến từ nhiều chuyên khoa khác nhau (sản, nhi, da liễu…) nên việc điều trị cho bệnh nhân Covid-19 mang nhiều bệnh nền khác sẽ rất căng thẳng. Và càng áp lực hơn khi phải phát hiện phân loại chính xác để có thể đảm bảo bệnh nhân trở nặng được chuyển tuyến kịp thời, thêm cơ hội điều trị hoặc không làm nặng thêm tầng điều trị cuối khi bệnh nhân chưa tới mức phải chuyển viện…”, anh Thiêm cho hay.
Tuy nhiên, với đặc thù của dịch bệnh Covid-19, rất nhiều bệnh nhân khi mới vào viện vẫn tỉnh táo nhưng bệnh diễn biến rất khó lường. Mặc dù trên lâm sàng, tổn thương phổi, bão hòa ô-xy máu giảm đi, nhưng bệnh nhân không có cảm giác khó chịu.
Một bác sĩ cho biết: “Có người khăng khăng đòi tự đi vệ sinh, trong khi họ không biết bản thân có thể gục, tử vong trong nhà vệ sinh vì không còn thở được. Vì thế, rất nhiều trường hợp chuyển nặng nhanh khiến các bác sĩ trở tay không kịp, đã không giữ được tính mạng cho bệnh nhân”.
Bên cạnh quá tải bệnh nhân, cơ sở vật chất tại những nơi này cũng có phần chưa bảo đảm kiểm soát nhiễm khuẩn, bởi chủ yếu được trưng dụng từ các ký túc xá, trường học...
Ngoài ra là tình trạng thiếu nhân lực chuyên hồi sức, không có máy chụp X-quang, siêu âm tim, không có hệ thống xét nghiệm...
“Cầm tay chỉ việc”, nâng cao năng lực điều trị cho tầng 2
Tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 thuộc BV Việt Đức, thời gian qua, các thầy thuốc tại đây cũng phát huy thế mạnh đào tạo, hỗ trợ chuyên môn cũng như chuyển giao các kỹ thuật cao về hồi sức tích cực như lọc máu liên tục, lọc máu hấp phụ... cho các cơ sở y tế của huyện Bình Chánh và quận Bình Tân.
Song song với việc hội chẩn các ca bệnh nặng của các bệnh viện các tuyến, các thầy thuốc của bệnh viện đã đến tận nơi khảo sát tình hình các cơ sở y tế tuyến dưới nhằm san sẻ khó khăn của các đồng nghiệp và góp phần điều trị người bệnh từ đầu, giảm tải cho tuyến trên.
Cũng tại TP.HCM ngoài phụ trách điều trị bệnh nhân nặng tại Trung tâm Hồi sức bệnh nhân Covid-19, BV Bạch Mai còn chi viện về trang thiết bị y tế và cử các bác sĩ, điều dưỡng xuống “cầm tay chỉ việc” cho 10 bệnh viện vệ tinh đang điều trị bệnh nhân ở tầng 2.
“Khi các bác sĩ được đào tạo chuyên sâu hơn, được cung cấp đủ thuốc, vật tư thì sẽ cải thiện được tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng”, GS. TS. Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc BV Bạch Mai khẳng định.
Trong phác đồ điều trị hướng dẫn cho tuyến 2, BV Bạch Mai luôn nhấn mạnh đến các yếu tố nguy cơ trong 5-10 ngày đầu nhiễm bệnh.
Có những người tiến triển nặng trong 1 ngày, thậm chí vài tiếng, trở tay không kịp. Do đó, các bác sĩ cần có sự quyết đoán, tiên lượng sớm hơn để cứu chữa, giảm tỷ lệ tử vong.
Đặc biệt, trong đợt dịch thứ tư, 80% bệnh nhân nặng có bệnh nền đái tháo đường, suy tim, phổi, đặc biệt thừa cân, béo phì, nguy cơ tử vong cao nên cần đặc biệt theo dõi sát sao đối tượng này.
Theo GS. TS. Nguyễn Quang Tuấn, thay vì tập trung nhiều người và trang thiết bị vào điều trị tầng 3, chiến lược điều trị tốt nhất bây giờ là đầu tư, hỗ trợ cho tầng 2.
Ngoài phải bảo đảm có những trang thiết bị hỗ trợ cho chẩn đoán lâm sàng để phát hiện yếu tố nguy cơ, cần phải nâng cao chất lượng chuyên môn cho tuyến 2 điều trị.
Theo đó, tại đây, các bệnh nhân khi có triệu chứng nhẹ cần phải được bảo đảm điều trị bằng thuốc kháng virus, sử dụng phương tiện theo dõi thật chặt bệnh nhân.
“Tối thiểu tại các cơ sở này là phải có máy chụp X-quang, siêu âm tim phổi, máy đo nồng độ ô-xy… để khi có những diễn biến nặng, phải chuyển ngay bệnh nhân lên tuyến trên mới có cơ hội cấp cứu hồi sức kịp thời”, ông Tuấn nói.
Tình huống bất đắc dĩ
GS. TS. Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc BV Bạch Mai cho rằng, việc các bác sĩ đông y, da liễu, phụ sản, phục hồi chức năng cũng tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 là tình huống bất đắc dĩ. Họ không có kỹ năng về kiểm soát nhiễm khuẩn, theo dõi bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân nặng nên không thể tiên lượng được hết tình trạng bệnh nhân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận