Biểu diễn Nhã nhạc tại Hội nghị |
Hội nghị Di sản văn hóa phi vật thể tại châu Á - Thái Bình Dương 2018 với chủ đề “Các tổ chức phi chính phủ bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể vì sự phát triển cộng đồng bền vững” do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Trung tâm Thông tin và Mạng lưới Quốc tế về Di sản văn hóa phi vật thể khu vực Châu Á - Thái Bình Dương do UNESCO bảo trợ (ICHCAP), thuộc Tổng cục Di sản Văn hóa Hàn Quốc tổ chức tại TP Huế ngày 6- 8/11.
TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, hội nghị lần này thu hút đại diện 36 tổ chức trong lĩnh vực bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể đến từ 16 quốc gia tham dự. Tại hội nghị, các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm về các hoạt động của các tổ chức phi chính phủ góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và tìm hiểu hướng đi trong tương lai để xây dựng hệ thống bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.
Với mục đích tăng cường trao đổi và hiểu rõ hơn mối quan hệ qua lại giữa di sản văn hóa phi vật thể và phát triển bền vững với các tổ chức phi chính phủ, nhằm trao quyền cho các tổ chức phi chính phủ tham gia bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể trong khu vực thông qua việc chia sẻ thông tin hữu ích và tăng cường mạng lưới các tổ chức phi chính phủ trong khu vực.
Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, với gần 400 năm tồn tại (1558-1945) triều Nguyễn đã để lại cho người Việt Nam những di sản văn hóa, lịch sử khổng lồ và hết sức đa dạng. Việc lựa chọn tổ chức Hội nghị lần này tại TP Huế nhân kỷ niệm 15 năm Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam được UNESCO công nhận là điều hết sức có ý nghĩa.
Theo ông Kwon Huh - Tổng Giám đốc ICHCAP, để có thể bảo vệ được di sản văn hóa nói chung, di sản văn hóa phi vật thể nói riêng, rất cần sự chung tay của rất nhiều tổ chức có liên quan trong xã hội, bao gồm: chính quyền, cộng đồng, các tổ chức phi chính phủ… Trong đó, các tổ chức phi chính phủ là những nhân tố khách quan có vai trò đặc biệt quan trọng.
Ông Huh tin tưởng, Hội nghị sẽ có những cam kết mang tính quốc tế đối với việc sẽ thúc đẩy việc trao quyền cho các tổ chức phi chính phủ cũng như hỗ trợ họ có thêm nhiều hoạt động tham gia vào bảo vệ di sản văn hóa trong khu vực.
Theo TS. Phan Thanh Hải, trải qua 15 năm cũng là thời gian thực hiện Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, Nhã nhạc cung đình Huế đã từng bước được bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó yếu tố cộng đồng đóng vai trò quan trọng. Không riêng Nhã nhạc, các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam cũng được bảo vệ và phát huy tốt dựa vào yếu tố cộng đồng như hát Xoan (Phú Thọ), dân ca ví dặm ở vùng Nghệ Tĩnh…
Hội nghị lần này là cơ hội để các nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa tiếp nhận thêm kinh nghiệm trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận