Siết chặt điều kiện chia sẻ rủi ro
Trình bày báo cáo về một số vấn đề của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 20/4, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết, sau phiên họp 43, cơ quan thẩm tra và soạn thảo đã tiếp thu ý kiến của Thường vụ Quốc hội, sửa đổi, bổ sung các quy định về cơ chế chia sẻ rủi ro. Trong đó, xác định không phải trong mọi trường hợp đều được áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu.
Theo ông Thanh, dự thảo quy định chặt chẽ các điều kiện để chia sẻ rủi ro trong các dự án PPP là: dự án do cơ quan có thẩm quyền lập; quy hoạch, chính sách, pháp luật có liên quan thay đổi làm doanh thu thực tế thấp hơn doanh thu cam kết tại hợp đồng; đã thực hiện đầy đủ các biện pháp điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ hoặc điều chỉnh thời hạn hợp đồng PPP nhưng vẫn chưa bảo đảm được mức doanh thu cam kết tại hợp đồng.
Tuy vậy, ông Thanh cũng cho biết, nhiều ý kiến cho rằng, quy định như dự thảo quá chặt, không tạo cơ chế khuyến khích, thu hút nhà đầu tư.
Nêu vấn đề thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho hay, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ phiên họp trước, dự thảo luật đã quy định chặt chẽ hơn về các điều kiện chia sẻ rủi ro trong các dự án PPP, nhất là quy định chỉ bù phần doanh thu khi Nhà nước do nhu cầu phát triển thay đổi chính sách, quy hoạch làm tác động tới doanh thu của nhà đầu tư. Tuy nhiên, ông Hiển vẫn cho rằng, cái này cần phải bàn kỹ.
“Không cẩn thận tôi rất lo, phần Nhà nước bù mà suốt đời dự án 3 - 4 chục năm có khi gấp nhiều lần so với số vốn đầu tư dự án”, ông Hiển nói và tiếp tục đề nghị phải làm kỹ và chặt chẽ vấn đề này.
Cần có tư duy cởi mở để thu hút nhà đầu tư tư nhân
Cho ý kiến tại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng, chia sẻ rủi ro là điểm nhấn lớn nhất của dự án luật này, nhằm thu hút nhà đầu tư. Do đó, về quan điểm thì nên ủng hộ cơ chế chia sẻ rủi ro. Tuy nhiên, ông Lưu kiến nghị cần quy định mức chia sẻ, trình tự chia sẻ thế nào để thực hiện được và đồng tình với phương án tăng hay giảm doanh thu cũng chia theo tỉ lệ 50/50 để đảm bảo công bằng.
Thảo luận tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị cần xem xét vấn đề thủy lợi có thể đầu tư theo hình thức PPP hay không, khái niệm nhà máy điện nên ghi theo lĩnh vực sản xuất điện hoặc công nghiệp điện để hiểu cho rõ ràng hơn.
Về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án PPP, việc điều chỉnh tăng vốn nhà nước lên mà không tăng vốn tư nhân lên thì cũng cần phải cân nhắc, tỷ lệ này nếu tăng thì phải cùng tăng, không lên quy định quá nguyên tắc sẽ khó khả thi. Đồng thời cũng cần làm rõ vấn đề những dự án thuộc lĩnh vực Quốc phòng sẽ chỉ định thầu, như vậy có hợp lý trong dự Luật này không?
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cần có tư duy quy định cởi mở một số vấn đề trong Dự án Luật, nhiều nội dung không nên quy định chặt quá, không thu hút được các nhà đầu tư tư nhân quan tâm và đầu tư.
Đi vào cụ thể, về quy mô đầu tư, nên quy định không thấp hơn 200 tỷ, tập trung vào những công trình khuyến khích ưu tiên thu hút nguồn lực như các công trình giao thông miền núi...
Đối với thẩm quyền quyết định dự án PPP thì nên tiếp thu theo hướng để Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư các dự án thuộc phạm vi quản lý của địa phương, quy định như vậy vừa đảm bảo được trách nhiệm giám sát và đảm bảo tính cởi mở, không áp đặt.
Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Dự án Luật cần đảm bảo nguyên tắc thống nhất trong hệ thống pháp luật, ngoài ra cần có những quy định đặc thù để thu hút đầu tư.
Trên cơ sở các ý kiến thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị cơ quan soạn thảo phối hợp với cơ quan thẩm tra tiếp tục hoàn thiện dự án Luật, đảm bảo toàn diện ở mọi góc độ để trình Quốc hội xem xét thông qua.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận