Chuyện dọc đường

Chiếc xe không có tội

16/12/2019, 06:09

Tạm giữ phương tiện là hình thức xử lý vi phạm hành chính về GTĐB, nhưng lượng xe ngày càng nhiều khiến phía công an và người vi phạm đều "khổ".

img
Một bãi xe vi phạm giao thông bị tạm giữ tại Hải Dươ​​​​ng. Ảnh: Việt Hòa

Với người vi phạm giao thông, bị tạm giữ xe, họ sẽ mất phương tiện đi lại, ảnh hưởng đến nhiều mặt của cuộc sống. Với CSGT, việc tạm giữ phương tiện khiến họ phải bố trí trông nom, quản lý chiếc xe. Khi đã quá thời hạn tạm giữ mà chủ xe không đến làm thủ tục nhận xe về, thì CSGT phải thông báo nhiều lần trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời mời cơ quan giám định hình sự đến để giám định số máy, số khung có bị đục xoá gì không.

Trường hợp phương tiện đó hợp pháp thì cơ quan chức năng tiếp tục tra cứu xem phương tiện đó có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay không, có trùng với dữ liệu xe máy vật chứng hay không. Trên cơ sở phương tiện đó, cơ quan chức năng tiếp tục làm thủ tục đăng báo thông tin.

Nếu đủ 30 ngày, không có chủ phương tiện hợp pháp hoặc người điều khiển không đến nhận xe để nộp phạt thì cảnh sát mới ra quyết định tịch thu. Muốn ra quyết định tịch thu lại phải định giá phương tiện, định giá xong rồi qua Sở Tư pháp để đấu giá rồi tiếp tục qua Sở Tài chính để đấu thầu thanh lý phương tiện. Như vậy, có thể thấy cả một quy trình rất phức tạp.

Việc tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính là việc làm cần thiết, được coi như một hình phạt bổ sung nhằm răn đe, xử lý nghiêm người vi phạm giao thông. Và Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng quy định khi các xe thuộc trường hợp bị tạm giữ, nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm đặt tiền bảo lãnh thì có thể được giữ phương tiện dưới sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền.

Tuy nhiên, hiện quy định đặt tiền bảo lãnh khá “nhiêu khê” đối với cả người vi phạm lẫn CSGT thực hiện việc cho bảo lãnh xe. Theo Nghị định 115/2013 và Thông tư 47/2014 của Bộ Công an, muốn khỏi bị “giam” xe, cá nhân có thể đặt tiền bảo lãnh hoặc phải gửi đơn kèm theo bản sao hộ khẩu hoặc sổ tạm trú, thời hạn để CSGT trả lời 2-5 ngày. Thủ tục khó khăn đó khiến cả CSGT và người vi phạm giao thông đều “ngại” việc đặt tiền bảo lãnh để mang xe vi phạm về.

Để giải bài toán này, thì việc mở rộng quy định đặt tiền bảo lãnh giữ lại phương tiện vi phạm là một giải pháp phù hợp. Muốn phổ biến quy định đặt tiền bảo lãnh xe vi phạm, cơ quan chức năng cần sớm sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 đối với vấn đề tạm giữ phương tiện theo hướng rõ ràng quy trình, làm sao thuận tiện cho người vi phạm mà cơ quan chức năng vẫn giám sát được phương tiện vi phạm.

Xét cho cùng thì chiếc xe chẳng có tội tình gì, việc giữ phương tiện vi phạm như hiện nay chỉ mang lại sự bất tiện cho cả CSGT lẫn người vi phạm. Việc hàng vạn chiếc xe đã biến thành sắt vụn là sự lãng phí vô cùng lớn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.