Trong cáo trạng ban hành ngày 8/4, Viện Kiểm sát (VKS) nhân dân Tối cao truy tố Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cùng 7 người khác về các tội danh Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
42 bị can khác bị VKS truy tố về các nhóm tội danh: Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán; Thao túng thị trường chứng khoán; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hồ sơ tố tụng xác định, trong nhóm bị can bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Trịnh Văn Quyết là chủ mưu, quyết định, chỉ đạo toàn bộ việc mua và đổi tên thành Công ty Faros.
Sau đó, Quyết dùng pháp nhân này làm công cụ, phương tiện để chỉ đạo Doãn Văn Phương (Tổng giám đốc Tập đoàn FLC, đã trốn ra nước ngoài) và Trịnh Thị Minh Huế (em gái Quyết) cùng đồng phạm thực hiện hành vi nâng khống vốn chủ sở hữu từ 1,5 tỷ thành 4.300 tỷ đồng.
Ông Quyết còn bị cho là chỉ đạo lãnh đạo Công ty Faros thực hiện các thủ tục để Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận là công ty đại chúng; được niêm yết cổ phiếu ROS trên sàn HOSE.
Bên cạnh đó, Chủ tịch FLC còn bị cáo buộc chỉ đạo việc mua bán số cổ phiếu khống về giá trị để chiếm đoạt hơn 3.620 tỷ đồng của các nhà đầu tư, rồi sử dụng vào mục đích cá nhân của Trịnh Văn Quyết.
"Bị can Quyết khai nhận hành vi phạm tội như đã nêu và đã tự nguyện nộp khắc phục hậu quả số tiền hơn 189,5 tỷ đồng", cáo trạng nêu.
Đối với hành vi thao túng 5 mã cổ phiếu (AMD, HAI, GAB, FLC, ART), VKS cũng xác định Trịnh Văn Quyết là chủ mưu, chỉ đạo hai em gái Minh Huế và Thúy Nga cùng bị can Hương Trần Kiều Dung (Phó chủ tịch thường trực HĐQT Tập đoàn FLC) và đồng phạm thực hiện hành vi cấp khống tiền cho các tài khoản do Huế quản lý sử dụng.
Qua đó, các bị can thao túng 5 mã cổ phiếu và FLC thu lợi bất chính số tiền hơn 723 tỷ đồng. Trong đó, mã AMD được thao túng trong giai đoạn từ ngày 26/5/2017 đến ngày 13/7/2017 và thu lợi bất chính hơn 39 tỷ đồng trước thời điểm Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành.
Cơ quan điều tra Bộ Công an đã đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử lý theo quy định tại Điều 29 Nghị định 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
Do đó, Trịnh Văn Quyết phải chịu trách nhiệm hình sự với số tiền thu lợi bất chính của 4 mã chứng khoán HAI, GAB, ART và FLC là trên 684 tỷ đồng đồng.
Theo VKS, quá trình điều tra, bị can Trịnh Văn Quyết khai nhận hành vi phạm tội như đã nêu trong hồ sơ tố tụng.
Quá trình điều tra, nhà chức trách thu giữ của bị can Trịnh Văn Quyết hơn 187,5 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng 40,59% cổ phần BAV.
Ông Quyết còn bị kê biên 3 thửa đất và tài sản gắn với đất. Những bất động sản này có tổng diện tích gần 2.000m2 nhà đất, nhà và đất trong khuôn viên khu đô thị mới Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Cơ quan điều tra cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước rà soát, ngăn chặn giao dịch đối với tài khoản đứng tên Trịnh Văn Quyết cùng một số cá nhân; đề nghị UBND các địa phương tạm dừng biến động (chuyển nhượng, mua, bán...) đối với tài sản (bất động sản, cổ phần, vốn góp, cổ phiếu...) đứng trên Trịnh Văn Quyết và em gái...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận