Tường rào khu đô thị mới Phú Lương (Hà Đông) vi phạm phạm vi công trình bảo vệ đường sắt |
Dẫn chúng tôi ra hiện trường đường sắt từ km 28+800 đến km 30+250 tuyến đường sắt Bắc Hồng - Văn Điển (Q.Hà Đông, Hà Nội), ông Dương Văn Thư, Phó ban An ninh - ATGT Tổng công ty Đường sắt VN chỉ dãy tường rào đang xây dở dang nói: “Tường rào này là của khu đô thị mới Phú Lương do chủ đầu tư dự án là Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Việt xây dựng. Đáng nói, tường rào này lại nằm trong phạm vi công trình bảo vệ đường sắt”
Theo quan sát của PV Báo Giao thông, đoạn đường sắt từ ga Hà Đông xuôi về phía Văn Điển được ngăn cách với khu đô thị mới Phú Lương bởi tường rào gạch, có chỗ là hàng rào thép. Qua hàng rào thép, nhìn vào phía trong công trường dự án khu đô thị Phú Lương, đất đắp cao đến cả mét so với mặt đất phía ngoài hàng rào. Còn tường rào gạch được xây trông kiên cố với các cột trụ, trên tường gạch đang chờ chăng rào. Tường được xây trên nền đất đắp cao khoảng 1m so với đường tàu và cách đường tàu khá gần. Phía trên tường gạch sát đường dây thông tin của đường sắt.
Ông Thư cho biết thêm, tường rào này đã vi phạm phạm vi bảo vệ công trình đường sắt và hành lang ATGT đường sắt. Theo Luật Đường sắt và các quy định hiện hành, đối với nền đường đắp như đoạn đường sắt này thì phạm vi bảo vệ công trình đường sắt tính từ chân nền đường đắp trở ra là 7m; Còn hành lang ATGT đường sắt thì tính từ chân nền đường ra 15m. Trong khi đó, khoảng cách từ tường rào ra đường sắt rất gần.
Ông Phạm Nguyễn Chiến, Phó giám đốc Công ty CP Đường sắt Hà Thái, đơn vị quản lý tuyến cho biết, qua kiểm tra cho thấy, điểm gần nhất của hàng rào cách đường dây thông tin ngoài cùng của đường sắt 0,5m. Nghiêm trọng hơn, chủ đầu tư đã đổ đất trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt cao trên 1m so với đỉnh ray, chân nền của mái ta luy cách mép ray ngoài cùng là 4,6 mét, kéo dài 200 mét (từ km 29+050 đến km 29+250) mà không có rãnh thoát nước giữa tường rào và đường sắt, lấp kín 2 miệng cống thoát nước tại Km 29+200, Km 29+474.
“Việc đổ đất cao như vậy ảnh hưởng đến việc thoát nước cho nền đường sắt, khi mưa sẽ gây ngập úng, ảnh hưởng đến kết cấu, tính ổn định của nền đường sắt, đe dọa an toàn chạy tàu”, ông Chiến nói.
Ông Thư cho biết, tháng 4/2016, các đơn vị đường sắt khi kiểm tra đoạn đường sắt này đã phát hiện chủ đầu tư dùng máy thi công cơ giới đổ đất, san gạt mặt bằng phục vụ công trình xây hàng rào bảo vệ dọc tuyến C2, dự án khu đô thị mới Phú Lương nhưng lấn vào hành lang ATGTĐS; vì thế đã tiến hành lập biên bản, yêu cầu tạm dừng thi công để chờ cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Tuy nhiên sau đó, dù nhiều lần các đoàn kiểm tra, lập biên bản yêu cầu đình chỉ thi công nhưng chủ đầu tư vẫn không dừng đổ đất, san lấp mặt bằng. Đến ngày 5/9/2016, Công ty Trung Việt mới có văn bản đề nghị Cục Đường sắt VN cấp phép xây dựng hàng rào. Ngày 13/9, Cục Đường sắt VN đã cấp phép cho Công ty Trung Việt thi công. Theo giấy phép, đây là hàng rào bảo vệ (tạm thời) với tổng chiều dài 1.477m, trong đó hơn 259m hàng rào thép gai và 1.217m hàng rào gạch; Khoảng cách từ mép ray ngoài cùng đến điểm gần nhất của hàng rào là 7m.
Giấy phép nêu rõ: “Công ty Trung Việt phải lập phương án thi công chi tiết (phần trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt) trình Tổng công ty Đường sắt VN chấp thuận trước khi thi công” và các bên phải thống nhất biện pháp đảm bảo an toàn cho hệ thống thông tin, tín hiệu đường sắt trong suốt quá trình thi công công trình.
Tuy nhiên theo ông Thư, Công ty Trung Việt cố tình không thực hiện theo nội dung giấy phép. Chủ đầu tư đã tiếp tục thi công hàng rào tạm khi chưa thống nhất với Tổng công ty Đường sắt VN về việc bàn giao mặt bằng thi công công trình.
Còn ông Phạm Nguyễn Chiến cho biết, nhiều lần Công ty Hà Thái và Công ty CP Thông tin tín hiệu đường sắt Hà Nội đề nghị chủ đầu tư dừng thi công để thống nhất và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn theo các quy định trong giấy phép nhưng chủ đầu tư không thực hiện.
Mặt khác, giấy phép cấp phép làm hàng rào tạm thời nhưng khi thi công chủ đầu tư lại xây dựng hàng rào kiên cố. Tường rào hiện tại ép cọc sâu 6m, có đổ trụ, khoảng cách giữa các trụ 2,5m, cột có kích thước 0,2x02x1,5m, các đầu trụ phía dưới chân đế liên kết bằng các giằng bê tông rất vững chắc. “Hàng rào tạm thời trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt và hành lang ATGT đường sắt mà xây như vậy, khác nào xây lâu dài, có ý đồ lấn chiếm?”, ông Thư đặt câu hỏi.
Xem thêm video
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận