Rồng gắn liền với các vị vua chúa qua nhiều triều đại phong kiến, thể hiện sức mạnh quyền uy của người đứng đầu đất nước. Cũng bởi vậy, rồng thường xuất hiện phổ biến ở các công trình đình, đền, nơi thờ tự các vị vua chúa ngày trước.
Ở Hải Phòng, đình Hàng Kênh, ngôi đền thờ Đức vương Ngô Quyền được xây dựng cách đây hơn 300 năm là một trong những công trình mang nhiều hình tượng rồng nhất.
Theo thống kê của Bảo tàng TP Hải Phòng, di tích lịch sử cấp quốc gia đình Hàng Kênh trên đường Nguyễn Công Trứ (quận Lê Chân) này có hơn 260 mảng chạm khắc với khoảng 400 hình tượng rồng, trải khắp từ trong ra ngoài đình.
Nhà nghiên cứu Tạ Minh Đức, Phòng Nghiệp vụ quản lý di tích, Bảo tàng TP Hải Phòng cho biết: Ngay khi bước chân qua cổng đình Hàng Kênh, chúng ta có thể thấy hình tượng đồ án "Lưỡng long chầu nhật" khá tỉ mỉ, chi tiết phía trên mái đình.
Còn trên tượng Đức vương Ngô Quyền tại chính điện cũng được chạm nổi đồ án "hổ phù, long vân" trên áo khoác long bào, đồ án "lưỡng long chầu nguyệt" trên mũ cánh chuồn.
Hay như tại khu tiền tế của đình này, với 7 gian, dài 29,99m, rộng 10,250⁰m được bao quanh bốn vách bằng các tấm gỗ lim dày đặc các mảng chạm trổ hình rồng. Các đầu đao phía ngoài thanh xà, gồ đều được chạm khắc hình rồng kết hợp với một số linh vật khác, như phượng, nghê, góp phần làm giảm bớt sự nặng nề của bộ mái đình.
Hình tượng rồng tại đình Hàng Kênh mang những nét điển hình của rồng triều đại Lê Trung Hưng (1533-1789) nên có hình thái uốn lượn nhiều, các chi tiết như râu, sừng, vân mây đều có xu hướng kéo dài, trong khi đó phần vảy không có sắc cạnh, nên có thể tạo cảm giác hiền hòa.
"Cũng nhờ vậy mà mỗi khi bước chân vào đình, du khách đều có cảm giác nhẹ nhàng thanh thoát thay vì quá trang nghiêm của một nơi thờ tự vua chúa", ông Đức cho hay.
Một ngôi đình cổ khác cũng dày đặc hình tượng rồng tại Hải Phòng được nhiều người nhắc tới là đình Kiền Bái, nơi thờ vị thành hoàng Tòng Tiền và Lôi Công, là anh em sinh đôi âm phù Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn đánh thắng giặc Nguyên năm 1288 trên sông Bạch Đằng.
Tại đây, rồng là đề tài phổ biến trong các hoạt cảnh trang trí; dù là chạm nổi, chạm lộng hay chạm bong kênh, bong hình, ở giữa trung tâm luôn là hình một con rồng lớn có thân mập, ngắn lượn từ dưới lên, đầu ngóc cao, mặt quay ra ngoài.
Rồng ở đình Kiền Bái có đầu to, trán dô, miệng há rộng, mũi sư tử và tóc là các cụm đao lửa hình mũi mác bay về sau tạo cảm giác sống động cho người tới chiêm bái. Thân rồng tròn lẳn phủ một lớp vảy rắn nổi, chân có bốn móng sắc nhọn như cựa gà chọi. Chung quanh rồng mẹ dù đang vuốt râu hay hí thủy, có rất nhiều rồng con trong một tổng số lẻ như: 5, 7, 9, 11 và 13.
Còn trên chiếc kiệu cổ của đình Kiền Bái, lại được chạm khắc hình tượng rồng thời Nguyễn với nhiều nét đặc trưng cho vua chúa. Ngoài ra, tại đình còn có một số hình tượng những con vật trong hàng tứ linh như lân, phượng.
Ở các ngôi chùa tại Hải Phòng, hình tượng rồng cũng xuất hiện nhưng chủ yếu ở vị trí mái chùa, bậc lên xuống. Theo các nhà nghiên cứu của Bảo tàng thành phố, hình tượng rồng trong các ngôi chùa ở thời Lý (1009-1225), đồ án rồng được đắp nhiều nhất là "Lưỡng long chầu lá đề".
Ngay tại chùa tháp Tường Long, nằm trên đỉnh núi Long Sơn (quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng) cao hơn 95m so với mực nước biển, các nhà khảo cổ đã tìm được hiện vật có hình đầu rồng, rồng trong lá bồ đề được làm bằng đất nung từ thời Lý, thế kỷ thứ XI.
Sau thời Lý, hình tượng rồng trong kiến trúc chùa cũng có nhiều thay đổi tương ứng. "Lưỡng long" không còn "chầu lá đề" như trước, thay vào đó là hình tượng mặt trăng hoặc mặt trời. Những hình tượng này có thể tìm thấy ở chùa Do Nha, xã Tân Tiến hay chùa Chiêu Tường, xã An Hưng (cùng thuộc huyện An Dương).
Vào giai đoạn này, rồng còn được chạm khắc dưới các văn bia, đôn kê tượng thờ tam bảo hay khảm trực tiếp vào nhang án, càng tôn lên vẻ uy nghiêm của hình tượng rồng trong cả dân gian và cả văn hoá tín ngưỡng của người dân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận