Xã hội

Chiến lược "giao thông đi trước" ở Hải Phòng

Hàng loạt công trình giao thông thuộc các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không, đường thủy nội địa được xây dựng đồng bộ đã tạo động lực cho sự phát triển của thành phố Hải Phòng.

Bài 1: Một Hải Phòng cất cánh sau "giấc ngủ đông dài"

Hiện thực hóa chiến lược phát triển giao thông

Báo Giao thông từ ngày 21/10 đăng loạt bài: "Nghị quyết 45-NQ/TW - kim chỉ nam soi đường cho Hải Phòng cất cánh" ghi nhận Nghị quyết 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (NQ45) đã mở ra một cơ hội mới, là nền tảng, động lực quan trọng cho sự phát triển của thành phố Cảng.

Chiến lược "giao thông đi trước" ở Hải Phòng- Ảnh 1.

Trong lĩnh vực hàng hải, Hải Phòng phấn đấu trở thành trung tâm cảng biển của khu vực và thế giới.

NQ45 của Bộ Chính trị khóa XII đã đặt ra mục tiêu: Xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước; có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững; kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không

TP Hải Phòng hội tụ đủ 5 loại hình giao thông như đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa và đường hàng không, trong đó có cảng biển nước sâu Lạch Huyện - cảng cửa ngõ quốc tế duy nhất miền Bắc, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, hệ thống đường sắt kết nối 2 hành lang, 1 vành đai kinh tế giữa Việt Nam - Trung Quốc.

Hệ thống cảng biển Hải Phòng tạo thành cụm cảng có quy mô ngày càng lớn; chủ yếu thực hiện các nghiệp vụ giao nhận hàng hóa của khu vực Bắc Bộ và tham gia dịch vụ vận tải hàng hóa quốc tế.

Hiện thực hóa NQ45, từ nhiều năm trước TP Hải Phòng đã đặt mục tiêu xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ, trở thành xương sống của phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với các công trình giao thông trọng điểm do Trung ương đầu tư thì hàng loạt các công trình giao thông được thành phố chủ động đầu tư nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông.
Chiến lược "giao thông đi trước" ở Hải Phòng- Ảnh 2.Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng

Tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện NQ45, đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết: Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và TP Hải Phòng tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, đẩy mạnh liên kết vùng trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, các địa phương ven biển Đông Bắc.

Qua đó đã đạt được một số kết quả quan trọng, đóng góp hiệu quả đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, lộ trình đi lên công nghiệp hóa - hiện đại hóa của TP Hải Phòng và khu vực, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.

Đồng bộ triển khai 5 loại hình giao thông

Theo ông Lê Anh Quân, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Hải Phòng: Đối với hệ thống giao thông đường bộ, giai đoạn 2019-2023, Hải Phòng đã đầu tư xây dựng mới được 19,67km đường quốc lộ, 28,78km đường tỉnh lộ, 55,49km huyện lộ, 137,04km đường đô thị.

"Kết nối đường bộ đi/đến TP Hải Phòng hiện được đánh giá là một trong những địa phương thuận lợi nhất cả nước", ông Quân nhìn nhận.

Chiến lược "giao thông đi trước" ở Hải Phòng- Ảnh 3.

Những công trình giao thông nội đô góp phần tạo nên diện mạo mới ở Hải Phòng.

Đến nay, trên địa bàn TP Hải Phòng có khoảng 34km đường bộ cao tốc, 132km quốc lộ. Thành phố đang nghiên cứu đầu tư đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Tiếp tục đầu tư, nâng cấp các quốc lộ đi qua địa bàn như quốc lộ 10 (đoạn nối Quảng Ninh - Hải Phòng), quốc lộ 37, cầu Tân Vũ - Lạch Huyện 2...

Cùng với đó, thành phố nâng cấp, cải tạo mặt đường bê tông nhựa hơn 120 tuyến đường đô thị và các tuyến đường tỉnh. Tiếp tục đầu tư một số dự án giao thông trọng điểm theo danh mục Bộ GTVT công bố để đưa vào sử dụng trong năm 2024 và các năm tiếp theo góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Hệ thống giao thông đường biển tiếp tục được đầu tư xây dựng tuân thủ quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển phía Bắc, Quy hoạch chi tiết khu bến cảng biển Lạch Huyện đã được Bộ GTVT phê duyệt.

Hải Phòng hiện đang tích cực tìm kiếm nhà đầu tư Cảng biển khu vực Nam Đồ Sơn.

Chiến lược "giao thông đi trước" ở Hải Phòng- Ảnh 4.

Hệ thống cảng biển Hải Phòng được đầu tư nâng cấp hiện đại đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của cả khu vực.

Đến nay, khu vực cảng biển Hải Phòng đã được đầu tư, khai thác 50 bến cảng với tổng chiều dài cầu cảng khoảng 14,35km trong tổng số 298 bến cảng với tổng chiều dài cầu cảng khoảng 92,03km thuộc hệ thống cảng biển Việt Nam.

Sau khi 2 bến khởi động tại Lạch Huyện đi vào hoạt động tháng 5/2018, Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng đã đủ khả năng đón tàu có trọng tải lên đến 145.000 DWT, nhiều hãng tàu lớn trên thế giới đã đưa tàu container trọng tải lớn vào Lạch Huyện để khai thác các tuyến vận tải biển quốc tế, kết nối trực tiếp Hải Phòng với các cảng lớn ở Đông Bắc Á, châu Âu, Bắc Mỹ.

Các bến container số 3 và số 4 cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng đã hoàn thành đưa vào khai thác tháng 5/2024, có khả năng tiếp nhận cỡ tàu container đến 160.000DWT - tương đương 14.000 TEUs, đáp ứng sản lượng hàng hóa thông qua 1,1 triệu TEU/năm.

Bến cảng số 5, số 6 đang triển khai thi công giai đoạn 1, dự kiến hoàn thành 2026 và giai đoạn 2 hoàn thành năm 2027.

Chiến lược "giao thông đi trước" ở Hải Phòng- Ảnh 5.

Nhiều khu đô thị mới mọc lên khi Hải Phòng triển khai mở rộng, nâng cấp các tuyến đường.

Đối với lĩnh vực đường không, từ năm 2019 đến nay, đã tiếp tục đầu tư một số công trình, dự án nhằm nâng cao năng lực vận tải của Cảng hàng không quốc tế Cát Bi; đang tiếp tục chuẩn bị đầu tư một số dự án tại sân bay này như: Xây dựng nhà ga hành khách T2; xây dựng nhà ga hàng hóa; mở rộng sân đỗ máy bay - giai đoạn 2.

Đến nay, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi đã có đường bay quốc tế đến Seoul, Bangkok, Quảng Đông; các đường bay nội địa đến Đà Lạt, Phú Quốc, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cam Ranh, TP.HCM...

Về các tuyến vận tải đường thủy nội địa, đã được đầu tư, cải tạo góp phần giảm chi phí vận tải, chi phí logistics; triển khai hệ thống thông tin quản lý tích hợp để quản lý hoạt động ra, vào bến cảng thủy nội địa.

Đến nay, hệ thống mạng lưới đường thủy nội địa của TP Hải Phòng phát triển tương đối hoàn thiện với tổng chiều dài 425km.

Hải Phòng đang tiếp tục triển khai Đề án "Nâng cao năng lực vận tải container trên tuyến đường thủy nội địa Bắc Ninh - Hải Phòng" để thu hút nguồn vốn của doanh nghiệp đầu tư vào kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa (cảng cạn, cảng thủy nội địa…), chia sẻ thị phần vận tải đường bộ, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông.

Chiến lược "giao thông đi trước" ở Hải Phòng- Ảnh 6.

Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cùng lãnh đạo các sở, ngành kiểm tra tiến độ thi công cầu Máy Chai tại quận Ngô Quyền.

Cùng với đó, ngành đường sắt tiếp tục khai thác hiệu quả tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng hiện có từ ga Gia Lâm đến ga Hải Phòng, khổ 1.000mm, chiều dài khoảng 102km; Xây dựng lộ trình nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến đường điện khí hóa đoạn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, dài khoảng 380km, đường đôi khổ 1.435mm.

Hiện TP Hải Phòng đang phối hợp với Bộ GTVT nghiên cứu khảo sát tuyến đường sắt Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định.

5 nhóm giải pháp phát triển hạ tầng giao thông

Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện NQ 45, đại diện Bộ GTVT cho rằng: Những thành tựu phát triển hạ tầng giao thông của Hải Phòng thời gian qua là rất đáng tự hào. Tuy nhiên, đây mới là những kết quả bước đầu, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của Hải Phòng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Để đạt được các mục tiêu của NQ45 trong lĩnh vực giao thông, Bộ GTVT đã đề xuất với TP Hải Phòng thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:

Chiến lược "giao thông đi trước" ở Hải Phòng- Ảnh 7.

Lãnh đạo TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh nghe đại diện chủ đầu tư báo cáo tiến độ thi công cầu Bến Rừng nối Hải Phòng với Quảng Ninh.

Một là, cần sớm hoàn thiện các quy hoạch của thành phố, trong đó tích hợp đầy đủ, thống nhất và đồng bộ với 5 quy hoạch chuyên ngành GTVT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Để huy động tối đa các nguồn vốn ngoài ngân sách, sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước với mục tiêu "Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư", trong đó tập trung vào các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, tạo ra liên kết vùng.

Hai là, cần có các cơ chế, chính sách đặc thù có tính đột phá, vượt trội để huy động tối đa nguồn lực xã hội bên cạnh nguồn lực nhà nước nhằm thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông của thành phố và liên kết vùng.

Đó là xây dựng các cơ chế, chính sách đa dạng đột phá hấp dẫn hơn đối với các dự án PPP trên tinh thần bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước - doanh nghiệp - người dân và lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; Nghiên cứu, triển khai cơ chế tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án đầu tư phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ hai bên tuyến đường bộ cao tốc, các công trình nhà ga của tuyến đường sắt qua đô thị gắn với mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD).

Chiến lược "giao thông đi trước" ở Hải Phòng- Ảnh 8.

Cầu Bến Rừng, tuyến giao thông đường bộ thứ 3 nối Quảng Ninh - Hải Phòng. (Nguồn ảnh: Báo Quảng Ninh)

Ba là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp, cản trở hoặc làm chậm quá trình đầu tư.

Bốn là, ưu tiên nguồn lực để đầu tư vào các dự án trọng điểm, liên kết vùng, tạo động lực lan tỏa theo quy hoạch đã được phê duyệt và kế hoạch đã đề ra; Đầu tư, hoàn thiện, nâng cấp kịp thời các tuyến đường kết nối từ đường cao tốc, giao thông trục chính vào các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng biển, sân bay và cảng thủy nội địa, để bảo đảm khai thác đồng bộ hạ tầng giao thông.

Năm là, cấp ủy Đảng, chính quyền của TP Hải Phòng tiếp tục phát huy vai trò "năng động, sáng tạo", "dám nghĩ, dám làm"; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh công tác đền bù GPMB, tạo điều kiện thuận lợi về nguồn vật liệu và kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm, liên vùng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.