Đời sống

Chiến sĩ áo trắng nhiều lần hoãn cưới và câu chuyện xúc động nơi tâm dịch

27/02/2022, 07:30
image

"Con có thể giúp cô đứng dậy để nhìn ngắm bầu trời hôm nay", điều dưỡng viên Trần Thị Thuý Hằng xúc động nhớ lại lời đề nghị của một F0 nặng.

Đến với Trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19 thuộc Bệnh viện quân y 175 (Bộ Quốc phòng) vào trung tuần tháng 2, chúng tôi vô cùng xúc động khi lắng nghe những câu chuyện từ những nhân viên y tế, điều dưỡng đã quyết gác lại việc gia đình, sát cánh cùng đồng đội đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

img

Điều dưỡng Trần Thị Thuý Hằng (27 tuổi), Khoa Hồi sức ngoại A12.2, Trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19 thuộc Bệnh viện quân y 175 (Bộ Quốc phòng)

Hai lần hoãn cưới vì vợ bận chống dịch

Một trong số đó là câu chuyện của điều dưỡng Trần Thị Thuý Hằng (27 tuổi), Khoa Hồi sức ngoại A12.2 hiện đang làm việc tại Khoa A12.3 hồi sức tại Trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19.

Điều dưỡng Trần Thị Thuý Hằng nhớ lại khoảng thời gian TP.HCM tâm dịch, cô không tránh khỏi sợ hãi. Áp lực công việc quá lớn khi dịch bệnh tại thành phố diễn biến phức tạp, có thời điểm lên đến hàng ngàn ca mỗi ngày, nhân viên y tế làm việc không có thời gian nghỉ ngơi.

Một kỷ niệm khiến chị Hằng không thể quên và xem đó như động lực để mình và các đồng nghiệp vượt qua là tâm sự của một bệnh nhân nhiễm Covid-19. Chị Hằng kể, có bệnh nhân tên T.H bị nhiễm Covid-19 khá nặng, nhiều ngày điều trị tại bệnh viện nhưng vẫn còn mệt.

Một hôm khi đang thăm bệnh, bệnh nhân T.H đã thì thầm: “Con có thể giúp cô đứng dậy để cô ngắm nhìn ngoài trời hôm nay thế nào được không?”.

Sau khi giúp bệnh nhân được toại nguyện ngắm nhìn bầu trời, Thuý Hằng đã suy nghĩ rất nhiều.

"Một bệnh nhân trong cơn nguy kịch mà họ vẫn lạc quan yêu đời để có thêm sức mệnh chiến thắng bệnh tật, thì với những người như mình đang khoẻ mạnh, đang được làm việc phải nỗ lực hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ, tiếp thêm tinh thần cho các bệnh nhân vượt qua bệnh tật", chị Hằng chia sẻ.

Nói về cuộc sống gia đình, Thuý Hằng cho biết, chồng chưa cưới của mình là anh Phạm Tuân quen nhau đã 6 năm. Quãng thời gian đó anh chị cũng đã dự tính tổ chức đám cưới, nhưng cả 2 lần phải trì hoãn vì dịch bùng phát.

Dù anh Tuân làm trong lĩnh vực công nghệ nhưng cũng thấu hiểu được công việc của người yêu nên rất chia sẻ.

Hồi tháng 10/2021, thời gian chị Hằng đang tất bật chăm sóc các bệnh nhân ở bệnh viện thì cả mẹ chị và chồng chưa cưới cũng nhiễm Covid-19.

Tuy nhiên, vì sợ người yêu lo lắng nên anh Tuân đã giấu không báo để chị yên tâm công tác. Đến khi khỏi bệnh anh Tuân mới cho chị hay.

"Khi dịch tạm lắng yên, chúng tôi quyết định tham gia đám cưới tập thể cùng các đồng nghiệp ở Bệnh viện Quân y 175 - những người đã gác hạnh phúc cá nhân lên đường chống dịch Covid-19.

Lần này thì không thể trì hoãn nữa dù chúng tôi chưa kịp chuẩn bị nhẫn cưới", Thuý Hằng đùa vui,niềm hạnh phúc rạng rỡ trên khuôn mặt.

Clip: Chiến sĩ áo trắng nhiều lần hoãn cưới và câu chuyện xúc động nơi tâm dịch

Hạnh phúc không chỉ đôi ta

Không chỉ có cặp đôi điều đưỡng Trần Thị Thuý Hằng mà nhiều đồng nghiệp cũng rơi vào hoàn cảnh này. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, vợ chồng bác sĩ Nguyễn Văn Thành Được và Dư Lê Thanh Xuân công tác tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc người lớn chia sẻ với Báo Giao thông cũng có những trải lòng về chuyện đời, chuyện nghề.

img

Bác sỹ Dư Lê Thanh Xuân đứng thứ 3 (giữa) cùng ê kíp chuẩn bị làm Ecmo cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 (ảnh nhân vật cung cấp)

Bác sỹ Thành Được cho biết, 2021 đúng là năm khó khăn với ngành y tế. Thời điểm đầu tiên chỉ có 2 khoa Nhiễm D và Hồi sức tích cực - chống độc người lớn điều trị bệnh Covid-19 nặng.

Hai khoa hỗ trợ nhau, bệnh nhân nguy kịch thì xuống khoa Hồi sức tích cực - chống độc người lớn, khi hồi phục lại lên khoa Nhiễm D. Tháng 4/2021, đợt dịch thứ 4 bùng phát, khi đó bệnh nhân nặng vẫn chưa quá tải.

Bác sỹ Thành Được nhớ lại: Ngày 6/6/2021, một ca trực 24 giờ đáng nhớ, anh gọi đó là “đêm trực khủng bố”. Đêm đó liên tục nhận tin bệnh nặng và nguy kịch từ các tuyến chuyển lên, số lượng vượt quá dự tính.

“Ca trực triền miên đó chúng tôi không biết ăn trưa, hay ăn tối là gì. Mãi hơn 2h sáng hôm sau tình hình dịu bớt mới kiếm cái lót dạ.

Kể từ đó, khoa của tôi luôn hoạt động hết công suất cho tới bây giờ, ngay cả khi tình hình dịu bớt nhưng khoa hầu như lúc nào cũng đông bệnh nhân”, bác sỹ Được chia sẻ.

Cùng chung cảm xúc với chồng, bác sỹ Dư Lê Thanh Xuân (vợ bác sỹ Thành Được) cùng công tác tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới vẫn không quên những ngày gác tình riêng vì nghĩa đồng bào.

“Sự quá tải tại các cơ sở y tế trong thời điểm đỉnh dịch, lẫn quá tải về tinh thần và thể xác của nhân viên y tế chúng tôi trong mấy tháng trời quả là điều khủng khiếp. Nhưng đó cũng là khoảng thời gian cho chúng tôi rất nhiều kinh nghiệm và trải nghiệm quý báu trong nghề”, bác sỹ Xuân nhớ lại.

"Điều đau đớn đối với những bác sĩ như chúng tôi là khi chứng kiến nhiều bệnh nhân ra đi mà mình không thể làm gì được vì đã cố gắng hết sức.

Hầu như ngày nào cũng có người ra đi. Những bác sĩ dù cứng cỏi cỡ nào cũng không thể cầm được nước mắt. Có những bệnh nhân chúng tôi tưởng đã có hy vọng nhưng vì bị nhiễm trùng mới rồi cũng ra đi…

Chia sẻ về những cảm xúc khi được hỏi về chuyện trăm năm sau nhiều lần phải trì hoãn để đi chống dịch, bác sĩ Thanh Xuân nắm tay chồng và không giấu được niềm vui tràn đầy.

"Nói thật là chúng tôi rất may mắn khi vẫn có hạnh phúc trọn vẹn sau nhiều lần hoãn cưới. Qua khỏi đại dịch mới thấy quý trọng hơn những giây phút bên nhau. Còn mạnh khỏe ở bên gia đình, người thân là những giây phút hạnh phúc và đáng quý nhất của cuộc đời!".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.