Tiếp tục hành trình khám phá những vùng xanh tại TP.HCM, ngày 1/10, Sở Du lịch TP.HCM, phối hợp với Bộ Tư lệnh thành phố, UBND huyện Củ Chi và Saigontourist Group tổ chức tour du lịch về nguồn mang tên “Hành trình xanh về vùng Đất thép” cho các chiến sĩ quân y đang tham gia công tác chống dịch tại thành phố.
Những hoạt động này đã giúp các "chiến sĩ áo trắng" xả stress sau thời gian căng mình giúp thành phố chống dịch Covid - 19 và có thêm năng lượng để tiếp tục chiến đấu trong những ngày tới.
Khi đến tham quan Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, đoàn tới thắp hương khu truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Đây là nơi tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh để giành thắng lợi vẻ vang, giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.
Nữ quân y Nguyễn Thị Thu Hiền chia sẻ, lần đầu tiên được về thăm quan vùng đất thép Củ Chi, chứng kiến và tìm hiểu thông tin, khiến tôi vô cùng khâm phục ý chí chiến đấu quật cường của cha ông ta năm xưa.
"Đây là một chuyến đi vô cùng bổ ích, sau chuyến thăm quan này, đoàn chúng tôi tiếp tục trở lại công việc phát thuốc thăm khám, chữa bệnh cho các F0 cách ly tại nhà", Hiền chia sẻ.
Clips: Một ngày trải nghiệm của các chiến sĩ quân y tại vùng đất thép Củ Chi
Đại diện Bộ Tư lệnh TP.HCM cho biết, tập thể cán bộ, chiến sĩ xác định việc hỗ trợ thành phố trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch là trách nhiệm nhằm chia sẻ những khó khăn với người dân.
Đến nay, Học viện Quân y đã tăng cường tổng số 1.391 quân nhân vào miền Nam chống dịch.
Toàn bộ lực lượng đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19, có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước khi lên đường và được tập huấn kiến thức chuyên môn liên quan công tác phòng, chống dịch bài bản.
Một số hình ảnh trải nghiệm của các chiến sĩ quân y vùng đất thép Củ chi:
Chiến sĩ quân y ở các tỉnh, thành phố phía Bắc đã tham gia hỗ trợ TP.HCM chống dịch từ ngày 23/8 đến nay. Tại đây, các chiến sĩ quân y được phân về 414 Trạm y tế lưu động tại 23 quận, huyện và TP.Thủ Đức với công việc chính là thăm khám, chữa bệnh cho các F0 cách ly tại nhà.
Địa đạo Củ Chi là công trình đánh giặc độc đáo của người Củ Chi. Tổng chiều dài của địa đạo là khoảng 250km đường hầm được đào với thời gian là 20 năm, từ thời kỳ chống Pháp năm 1948 đến năm 1972.
Đoàn đã đến tham quan khu tái hiện vùng giải phóng Củ Chi để cảm nhận được cuộc sống của người dân Củ Chi trong giai đoạn từ năm 1961 đến 1972.
Cuộc sống người dân Củ Chi trong vùng giải phóng trong những ngôi nhà tranh vách đất. Bánh tráng là nghề truyền thống của người dân Củ Chi.
Chiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền đang trải nghiệm xay thóc, Hiền chia sẻ, lần đầu tiên được về thăm quan vùng đất thép thành đồng. Tuy nhiên khi chứng kiến khiến tôi thấy khâm phục ý chí chiến đấu quật cường của cha ông ta năm xưa.
Chiến sĩ Nguyễn Như Phương đang đọc bảng thông tin. Phương cho biết, một chuyến đi vô cùng bổ ích với chúng tôi.
Khu tái hiện lại, chiến sĩ du kích dũng cảm thu nhặt những quả bom lớn nhỏ tháo kíp, cưa ra để lấy thuốc nổ, làm các loại mìn tự tạo. Sắt thép được sử dụng để rèn lên các mũi chông và đinh nhọn phục vụ cạm bẫy và các vật dụng chiến trường khác.
Sau nhiều ngày chống dịch với tinh thần, sẵn sàng cùng ăn, cùng ở với nhân dân để hỗ trợ chăm sóc các trường hợp F0 điều trị tại nhà. Cán bộ, chiến sĩ Học viện Quân y có ngày nghỉ tham gia tour du lịch Củ Chi.
Trong một ngày, những chiến sĩ nơi tuyến đầu phòng, chống dịch đã có những giây phút thư giãn lý thú để cảm nhận được vẻ đẹp của vùng đất thép anh hùng.
Các chiến sĩ quân y, rất thích thú khi khám phá địa đạo. Các đường dẫn đến những tầng có hầm ở và làm việc của lãnh đạo, hầm y tế, ăn uống, chứa lương thực và vũ khí.
Một mô hình lớp học văn hoá nơi vùng giải phóng
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận