Thời sự Quốc tế

Chiến sự Nga-Ukraine "làm nóng" hội nghị G20

Sáng 15/11, Hội nghị Thượng đỉnh G20 chính thức khai mạc tại đảo Bali của Indonesia, trong đó xung đột Nga - Ukraine là vấn đề nghị sự hàng đầu.

Kêu gọi đoàn kết, thống nhất, đạt kết quả để phục hồi kinh tế toàn cầu

Phát biểu khai mạc, Tổng thống nước chủ nhà Joko Widodo kêu gọi tinh thần đoàn kết, thống nhất và hội nghị đạt được kết quả cụ thể giúp phục hồi kinh tế toàn cầu.

Tổng thống Widodo nhấn mạnh Indonesia vinh dự là nước chủ nhà Hội nghị thượng đỉnh G20 (nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi) năm nay, đồng thời hoan nghênh nỗ lực chung của các nước thành viên để cùng trao đổi với nhau trong bối cảnh có vô vàn thách thức.

img

Toàn cảnh Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali, Indonesia. Ảnh - Reuters

Một lần nữa, Tổng thống Indonesia nhấn mạnh thế giới đang đối mặt với những thách thức chưa từng có với nhiều cuộc khủng hoảng liên tiếp. Đại dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn, sự cạnh tranh tiếp tục gay gắt, xung đột Nga-Ukraine chưa có dấu hiệu chấm dứt, an ninh lương thực, an ninh năng lượng và an ninh tài chính của tất cả các nước bị ảnh hưởng, đặc biệt là các nước đang phát triển.

Vì vậy, nếu các nước không lập tức thực hiện các bước để đảm bảo cung ứng đủ lương thực phẩm với giá cả phải chăng, thế giới sẽ phải đối mặt với một năm 2023 ảm đạm hơn.

Tổng thống Indonesia kêu gọi các nước G20 phát huy tinh thần trách nhiệm, không chỉ đối với người dân của nước mình, mà còn với nhân loại trên toàn thế giới.

Ông cho rằng một quốc gia “có trách nhiệm” là quốc gia tôn trọng các nguyên tắc và luật pháp quốc tế. Tổng thống Widodo cũng đồng thời nhấn mạnh rằng G20 không được để thế giới rơi vào một cuộc Chiến tranh Lạnh khác và các cuộc xung đột hiện nay cần phải chấm dứt.

Tổng thống Ukraine nêu điều kiện để chấm dứt chiến sự

Trong chương trình hội nghị buổi sáng, nhiều lãnh đạo cũng có bài phát biểu tập trung vào vấn đề Nga-Ukraine.

Trong đó, phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi kêu gọi hòa bình và đàm phán ngoại giao để chấm dứt chiến sự Nga-Ukraine.

“Tôi đã nhiều lần kêu gọi chúng ta phải tìm cách để quay trở lại lộ trình ngừng bắn và ngoại giao ở Ukraine” – ông Modi nói và cho biết thêm việc tạo dựng một trật tự thế giới mới hậu Covid-19 đang đặt trên đôi vai của chúng ta.

Thủ tướng Modi nhấn mạnh, vai trò ngày càng lớn mà Ấn Độ đóng góp trong địa chính trị của chiến sự Nga-Ukraine. Vì có quan hệ tốt với cả Nga và phương Tây nên nếu hai bên đồng ý ngồi vào bàn đàm phán, Ấn Độ sẽ được ca ngợi với vai trò là trung gian vì hòa bình.

img

Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi ngồi cạnh Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh - Reuters

Phát biểu trước đại diện các nền kinh tế tham gia G20, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nêu ra một số điều kiện cần để chấm dứt chiến sự.

Phát biểu qua hình thức trực tuyến, ông Zelensky cho biết, Nga cần phải tái khẳng định sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine, bồi thường cho những thiệt hại Moscow đã gây ra.

Ông Zelensky kêu gọi tổ chức một hội nghị quốc tế để củng cố những yếu tố quan trọng trong tái thiết an ninh hậu chiến và ngăn chặn tái diễn những hành vi khiêu khích từ Nga.

Khi tất cả các biện pháp chống chiến tranh được thực hiện, cần phải có văn bản xác nhận kết thúc chiến tranh do hai bên đặt bút ký - Tổng thống Ukraine nói.

Đặc biệt, trong bài phát biểu, ông Zelensky cố tình nói từ “G19" – bỏ qua Nga, cảm ơn G19 vì đã có thái độ rõ ràng, không cho phép đe dọa hạt nhân.

Về phía Nga, Tổng thống Vladimir Putin không dự sự kiện này. Thay mặt ông tham dự là Ngoại trưởng Sergei Lavrov.

Trước giờ nghỉ trưa, Chủ tịch FIFA Gianni Infantino đã có bài phát biểu kêu gọi ngừng bắn trong 1 tháng – thời gian diễn ra World Cup Qatar. “Bóng đá không chỉ là một môn thể thao, nó còn có tác động xã hội lớn hơn thế. Đó là sự đam mê, khoan dung và giáo dục.

bóng đá đoàn kết thế giới, World Cup là dịp để đưa mọi người xích lại gần nhau trong hòa bình,và tận hưởng những điều vô cùng cần thiết giữa thời kỳ hỗn loạn mà chúng ta đang sống - ông Infantino kêu gọi.

Hội nghị cấp cao thường niên của nhóm G20 (20 nền kinh tế phát triển và mới nổi) diễn ra trong hai ngày 15 - 16/11 tại Bali ,Indonesia, giữa lúc kinh tế toàn cầu đối mặt nhiều thách thức.

Đây là sự kiện quy tụ nhiều lãnh đạo các nước dự trực tiếp sau khi dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu vào đầu năm 2020.

Theo báo The Guardian, với chủ đề “Recover Together, Recover Stronger” (Hồi phục cùng nhau, Hồi phục mạnh hơn), nước chủ nhà Indonesia đã vạch ra chương trình nghị sự tập trung vào các vấn đề như phục hồi kinh tế sau đại dịch, y tế toàn cầu và năng lượng bền vững.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.