Xã hội

Chiến tranh biên giới 1979: "Việt Nam chọn giải pháp hoà bình"

13/02/2019, 15:50

Trong cuộc chiến tranh biên giới 1979, Việt Nam đã lựa chọn giải pháp hoà bình để giải quyết các căng thẳng.

img
Bộ đội Việt Nam đánh trả quân Trung Quốc xâm lược tại Lạng Sơn năm 1979. Ảnh tư liệu, báo QĐND

Cuộc chiến tranh chống quân Trung Quốc xâm lược tháng 2/1979 đã đi vào lịch sử 40 năm, nhưng âm hưởng về cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam vẫn còn vang mãi theo thời gian.

Cuộc chiến chính nghĩa bảo vệ Tổ quốc

Cách đây 40 năm, rạng sáng 17/2/1979, Trung Quốc ồ ạt xua quân xâm lược tuyến biên giới phía Bắc nước ta, mở màn cho cuộc chiến 30 ngày trên địa bàn các tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Hoàng Liên Sơn (nay là tỉnh Lào Cai và Yên Bái), Lai Châu, Hà Tuyên (nay là tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang), Quảng Ninh và những xung đột kéo dài suốt 10 năm sau đó.

Quân và dân Việt Nam khi đó đã cầm súng, chiến đấu để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, đập tan tham vọng bành trướng của đối phương, giữ gìn nền hòa bình khu vực và thế giới.

Theo Niên giám châu Á năm 1980, thời điểm Trung Quốc tấn công đã sử dụng 9 quân đoàn chủ lực và 32 sư đoàn bộ binh độc lập; 6 trung đoàn xe tăng... với khoảng 600.000 người. Trong khi đó, tổng lực lượng phòng thủ của Việt Nam tại các tỉnh biên giới phía Bắc chỉ có khoảng 50.000 quân, bằng 1/10 lực lượng tham chiến của Trung Quốc.

Trước tình thế cấp bách, ngày 4/3/1979, Ban chấp hành T.Ư Đảng ra lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước đứng lên bảo vệ tổ quốc.

Sáng 5/3, chương trình phát thanh 90 phút thường ngày của Đài tiếng nói Việt Nam phát bản tin đặc biệt kêu gọi: "Hỡi đồng bào và chiến sĩ yêu quý! Quân thù đang giày xéo non sông, đất nước ta. Độc lập, tự do, chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta đang bị xâm phạm. Hòa bình và ổn định ở Đông Nam châu Á đang bị đe dọa. Dân tộc Việt Nam ta phải ra sức chiến đấu để tự vệ... Toàn thể đồng bào các dân tộc anh em trong cả nước, các tôn giáo, các đảng phái, già, trẻ, gái, trai hãy phát huy truyền thống Diên Hồng, triệu người như một, nhất tề đứng lên bảo vệ tổ quốc".

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau đó đã ra quyết định tổng động viên trong cả nước, huy động mọi nhân lực, vật lực, tài lực cần thiết để đảm bảo nhu cầu của cuộc kháng chiến cứu nước.

Nhớ lại thời điểm đó khi đang công tác lại Viện Lịch sử Quân sự - Bộ Quốc phòng, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, nguyên đại tá, Phó chính ủy Sư đoàn 308 cho biết, không khí của Hà Nội khi ấy sục sôi trước cảnh đất nước lâm nguy. Từ khắp nơi, có hàng nghìn lá đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Trong đó, có cả những lá đơn viết bằng máu.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, chúng ta cũng đã có sự chủ động phòng thủ trước khi quân Trung Quốc đánh sang, bằng cách huy động lực lượng đi đào chiến hào trên các ngọn đồi, khu vực Sóc Sơn, ngoại thành Hà Nội. Phòng tuyến ấy được kéo dài đến tận các tỉnh biên giới phía Bắc. “Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung sau lệnh tổng động viên đã sẵn sàng bước vào một cuộc kháng chiến – một cuộc chiến của chính nghĩa”, ông Hà nói.

Nguyên Đại tá, Phó chính ủy Sư đoàn 308 cho hay, cuộc chiến biên giới phía Bắc chính thức diễn ra từ ngày 17/2 đến ngày 5/3/1979, nhưng xung đột biên giới kéo dài dai dẳng trong cả 10 năm, đến năm 1988.

Sau khi Trung Quốc tuyên bố rút quân, họ vẫn duy trì nhiều lực lượng áp sát biên giới Việt Nam gây căng thẳng nhằm lấn chiếm lãnh thổ. Có thời điểm 1984-1986, chiến sự diễn ra ác liệt ở mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) khi quân đội Việt Nam tổ chức phản công giành lại các điểm cao biên giới bị quân Trung Quốc lấn chiếm trái phép.

Đến tháng 11/1991, Việt Nam - Trung Quốc mới tuyên bố bình thường hoá quan hệ.

Việt Nam lựa chọn hoà bình để giải quyết vấn đề

Trước khi đưa quân tràn sang biên giới vào ngày 17/2/1979, Trung Quốc tuyên bố "dạy cho Việt Nam một bài học" và lý luận rằng đây chỉ là "phản kích, tự vệ" vì "Việt Nam đưa quân sang đánh một số điểm trong nội địa Trung Quốc", nhưng theo ông Hà, cả thế giới không tin câu chuyện đó.

img
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà - nguyên Đại tá, Phó chính ủy Sư đoàn 308

Bởi nhân dân Việt Nam là nhân dân yêu chuộng hoà bình, Trung Quốc tấn công thì chúng ta phải tự vệ và lệnh tổng động viên là một mệnh lệnh phù hợp với tình thế đó.

Ông kể, chúng ta cũng không biết trước Trung Quốc sẽ rút quân vào ngày 5/3. Khi Trung Quốc biết Việt Nam được Liên Xô giúp đỡ cơ động các đơn vị chủ lực từ mặt trận phía Nam và từ Campuchia lên phía Bắc thì họ tuyên bố rút quân.

Về phía quân đội Việt Nam khi đó, chúng ta sẵn sàng chiến đấu với lực lượng quân Trung Quốc đông đảo, nhưng chúng ta đã kiềm chế không đánh, đề phòng họ lấy cớ quay trở lại khiến cuộc chiến tranh kéo dài. Các đơn vị cũng nhận lệnh để cho Trung Quốc rút quân và không tiến hành truy quét, tiêu diệt. “Chúng ta đã lựa chọn biện pháp hòa bình để giải quyết vấn đề căng thẳng khi đó”, ông Hà nói.

Trong cuộc chiến này, Trung Quốc tuyên bố muốn “dạy cho Việt Nam một bài học”, tuy nhiên, ông Hà cho rằng, chính họ là người phải nhận lấy hậu quả khi mở màn chiến tranh.

Bởi khi ấy, quân số Trung Quốc tổn thất lớn, không đạt được mục tiêu. Đặc biệt, cuộc chiến tranh này còn làm cho mối quan hệ hai nước rơi vào một thời kỳ đen tối, tạo ra hố sâu ngăn cách giữa hai dân tộc, sự nghi kỵ giữa nhân dân hai nước.

Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, phía Việt Nam cũng đã mất mát một phần không nhỏ nhân lực, vật lực trong cuộc chiến này.

Dù vẫn giữ lực lượng thường trực để bảo vệ biên giới, nhưng chúng ta cũng chủ trương giảm dần quân số tại đây. Năm 1988, Việt Nam chủ động rút quân chủ lực cách đường biên giới 40 km. Trước động thái đó, Trung Quốc cũng cho rút dần quân khiến tình hình biên giới lắng dịu.

Ông Hà cho rằng, lúc này, mọi căng thẳng mới chính thức được tháo gỡ và đây cũng là một trong số các yếu tố để hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1991.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.