Góc nhìn

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Đòn hiểm 1.000 tỷ USD của Bắc Kinh

09/08/2018, 08:24

Dù chính quyền Tổng thống Donald Trump cho thấy Washington đang chiếm “thế thượng phong” trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc...

29

Lãnh đạo hai nước Mỹ - Trung và cuộc chiến thương mại đang bùng nổ

Dù chính quyền Tổng thống Donald Trump cho thấy Washington đang chiếm “thế thượng phong” trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, nhưng giới phân tích lại cho rằng, Bắc Kinh còn "át chủ bài" chưa sử dụng nên sẽ không dễ bị “hạ gục”.

Trung Quốc chưa tung “át chủ bài”

Ngày 8/8, Mỹ vừa bồi thêm một “cú đấm thuế” mới vào hàng hóa Trung Quốc khi chính thức tuyên bố một danh sách mới gồm các loại hàng nhập khẩu từ Bắc Kinh (trị giá 16 tỷ USD) sẽ phải chịu mức thuế 25% từ ngày 23/8.

Không những thế, chính quyền Hoa Kỳ dự định tăng thuế nhập khẩu từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, tiến thêm một nấc leo thang mới trong chiến tranh thương mại với cường quốc số 1 châu Á.

Washington đã có chiến lược rõ ràng. Nhà Trắng dường như đang cảm thấy họ nắm chắc chiến thắng và cho rằng, thuế quan là những quân bài sức mạnh nhất trong ván bài tranh chấp thương mại.

“Các biện pháp về thuế quan đang tỏ rõ hiệu quả tốt hơn nhiều so với mong đợi. Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã giảm 27% trong 4 tháng gần đây và họ đang phải nói chuyện với chúng tôi”, ông chủ Nhà Trắng Donald Trump viết trên mạng xã hội cách đây vài ngày và nói thêm rằng, thị trường Mỹ đang mạnh hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, SCMP dẫn lời giới phân tích cho rằng, Mỹ có thể đã đặt niềm tin lệch hướng trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Công ty nghiên cứu đầu tư TS Lombard cho rằng, Bắc Kinh đang nắm giữ một bộ bài gồm nhiều quân mạnh, trong đó có trái phiếu Chính phủ Mỹ.

Theo số liệu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Trung Quốc là một trong những nước nắm giữ trái phiếu Chính phủ Mỹ nhiều nhất, khoảng 1.000 tỷ USD trái phiếu trong năm 2017. Bắc Kinh có thể bán ra hoặc chỉ cần ngừng mua trái phiếu Chính phủ Mỹ cũng đã đủ tạo ra tác động đáng kể đối với nền kinh tế đứng đầu thế giới.

Chưa cần dùng tới “quân bài trái phiếu”, tác động thuế quan mà ông Trump muốn gây áp lực cho Trung Quốc đã bị hạn chế khi đồng nhân dân tệ giảm giá. Bắc Kinh đang sử dụng chính sách nới lỏng tiền tệ để bù đắp ảnh hưởng của thuế quan Mỹ đối với các nhà xuất khẩu Trung Quốc.

Đứng trước thực tế này, Mỹ chỉ có lựa chọn nâng mức thuế trừng phạt mới có thể bảo đảm “cú đấm thuế” sẽ giáng đòn mạnh vào Trung Quốc, buộc nước này phải trở lại bàn đàm phán và nhượng bộ hơn trong vấn đề thương mại.

Mỹ có thể bị “gậy ông đập lưng ông”?

Bên cạnh đó, các nhà phân tích tại Citibank (ở Hong Kong) cho rằng, việc áp thuế bổ sung của Washington có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc, nhưng cũng sẽ để lại hậu quả tiêu cực cho chính nước Mỹ.

Trung Quốc chủ yếu xuất hàng tiêu dùng sang Mỹ. Vì thế, lạm phát của Hoa Kỳ sẽ tăng lên và lợi nhuận của các công ty đa quốc gia Mỹ sử dụng lãnh thổ của Bắc Kinh như một nền tảng xuất khẩu cũng sẽ bị ảnh hưởng. Các nhà phân tích còn cho rằng, tác động tiêu cực có thể sẽ bộc lộ rõ hơn khi chuẩn bị tới cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ vào tháng 11.

Hơn nữa, vẫn chưa rõ phần lợi ích có thể bù nổi những mất mát mà nền kinh tế số một thế giới phải trải qua hay không, khi mà thâm hụt thương mại vẫn tiếp tục gia tăng bất chấp chính sách tăng thuế nhập khẩu.

Còn đứng trên góc độ của Mỹ, Ngân hàng Morgan Stanley đã lập luận rằng, “Trung Quốc có tỷ lệ nợ trên GDP là 256%. Trong trường hợp này, cường quốc châu Á cần thực hiện các chính sách tiền tệ thắt chặt”. Nhưng, để khắc phục tác động xấu của tranh chấp thương mại, Bắc Kinh đã thực hiện các chính sách ngược lại.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross dường như cũng khá bình tĩnh khi nền kinh tế Mỹ tính tới hiện tại khá tốt. GDP Mỹ tăng trưởng 4,1% trong quý II so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ thất nghiệp của Hoa Kỳ đã giảm xuống còn 3,9% và FED có khả năng tăng lãi suất trở lại vào tháng tới.

Loại bỏ những tác động đối với cuộc bầu cử giữa kỳ, ông Trump tự tin viết trên mạng xã hội rằng, tỷ lệ ủng hộ ông hiện cao hơn cựu Tổng thống Obama ở cùng thời điểm trong nhiệm kỳ đầu tiên (theo kết quả cuộc điều tra dư luận Rasmussen Daily Presidential Tracking Poll).

Những phân tích ở trên cho thấy, thiệt hại tiềm năng về địa chính trị sẽ khiến cả Bắc Kinh và Washington cùng không buông lỏng tay trong cuộc chiến thương mại quan trọng này, mà có thể khiến “tiền cược” cứ thế tiếp tục tăng lên.

Nhưng trên thực tế, chiến tranh thương mại là cuộc chơi mà không có bên nào thắng cuộc. “Cả hai nền kinh tế nhất, nhì thế giới nên phải nhanh chóng kiềm chế tung “thẻ bài” sát phạt lẫn nhau và bắt đầu cùng đàm phán”, chuyên gia tài chính và kinh tế vĩ mô Neal Kimberley kết luận.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.