Tỷ lệ đại biểu chuyên trách bao nhiêu là hợp lý?
Luật Tổ chức Quốc hội được ban hành năm 2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước ta.
Sau hơn 3 năm thi hành Luật Tổ chức Quốc hội cho thấy, về cơ bản nhiều quy định của Luật đã đem lại những kết quả tích cực, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện Luật, cũng đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập, cần sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Theo Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội được xây dựng với mục đích nhằm thể chế hóa chủ trương trong Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương về tổ chức và hoạt động của Quốc hội.
Thảo luận tại Tổ về dự thảo Luật này, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm liên quan đến tỷ lệ đại biểu chuyên trách.
Nhất trí với quan điểm tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách từ 35 lên 40%, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho hay: ĐB chuyên trách hiện có vai trò rất quan trọng. Tại các kỳ họp, ĐB chuyên trách là những người góp ý nhiều nhất, có nhiều quan điểm rõ ràng nhất.
“Tăng đại biểu chuyên trách là cần thiết nhưng theo tôi nên tăng ở các tỉnh. Khi đó, đại biểu có thể thực hiện chức năng giám sát của đoàn ĐBQH. Nếu tăng ở Trung ương, khi tỉnh tổ chức giám sát ở đoàn, điều động ở Trung ương về thì rất khó, chi phí ăn ở, đi lại tốn kém. Hơn nữa, trong cơ cấu ở tỉnh, nếu kiêm nhiệm thì cũng rất khó làm việc”, ông Phương phân tích.
Đồng quan điểm, ĐB Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) nói: Quốc hội và HĐND của ta thành phần đang mang tính mặt trận cao, tính đại diện cao nhưng hiệu quả chất lượng chưa như mong muốn.
“Tôi cho rằng, tới đây, Quốc hội phải từ một Quốc hội tham luận sang Quốc hội tranh luận, thảo luận. Quốc hội phải chất lượng và chuyên nghiệp. Đại biểu phải có lượng đại biểu rất giỏi về làm luật, nhưng cũng phải có một số lượng đại biểu giỏi về hoạt động thực tiễn, bám cơ sở, nắm tình hình cơ sở. Việc nâng tỷ lệ ĐB chuyên trách lên ít nhất 35% là hợp lý”, ông Thưởng nói và nhấn mạnh ĐB chuyên trách là hết sức cần thiết. Họ có thời gian để chú tâm vào công việc một cách toàn diện, đầu tư hết thời gian vào tìm hiểu luật, tiếp xúc cử tri, giám sát, tham gia các cơ quan của Quốc hội.
Mặc dù vậy, ông Thưởng cũng cho rằng cũng chỉ nên dừng tỷ lệ ĐB chuyên trách ở mức độ nào đó, còn vẫn cần đại biểu kiêm nhiệm. Những đại biểu kiêm nhiệm này đang công tác ở nhiều lĩnh vực, do đó, đại biểu chuyên trách chưa chắc đã hiểu sâu được như họ.
Nâng cấp 2 Ban Dân nguyện và Công tác đại biểu thành Ban của Quốc hội
Một vấn đề khác được nhiều ĐB quan tâm là việc nâng cấp 2 Ban Dân nguyện và Ban Công tác đại biểu (thuộc Uỷ ban thường vụ Quốc hội) thành Ban của Quốc hội.
Chia sẻ bên hành lang quốc hội, ĐB Chu Lê Chính (Lai Châu) cho rằng để nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Quốc hội, cần nâng vị thế 2 Ban này, có thể tương đương Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội. Cũng như vậy, ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang) nói: Hiện Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện không có chức năng tham mưu lập pháp như các Ban của Quốc hội hay Hội đồng dân tộc, không trực tiếp đi giám sát. Sửa đổi Luật lần này, Quốc hội nên xem xét vị trí của 2 cơ quan này, nếu đủ điều kiện thì nâng tầm lên, và giao nhiệm vụ, trọng trách lớn hơn nữa.
ĐB Nguyễn Ngọc Phương cũng đồng thuận đề nghị Dự thảo Luật bổ sung nâng cấp Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện thành Ban của Quốc hội.
“Sau 2 nhiệm kỳ tham gia Quốc hội, tôi thấy 2 Ban này đã thực hiện rất tốt chức năng nhiệm vụ của mình. Ban Dân nguyện thực hiện những vấn đề liên quan đến ý kiến, kiến nghị cử tri và người dân quan tâm. Ban Công tác đại biểu đã kết nối tốt giữa HĐND, đoàn đại biểu Quốc hội. Về cơ sở chính trị, pháp lý, vị thế của 2 Ban này cũng tương đương tới các Ban của Quốc hội. Bộ máy không tăng, cơ cấu tổ chức giữ nguyên, chỉ thay đổi tên gọi nhằm tạo vị trí tương xứng, tạo chức năng nhiệm vụ phù hợp, thể hiện được vai trò của mình”, ông Phương phân tích.
Cũng như vậy, ĐB Cao Đình Thưởng cho rằng việc tồn tại 2 Ban này là tất yếu. Vấn đề là trong Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung, 2 Ban này chưa có tên.
“Tôi cho rằng, có đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn để nâng lên thành Ban của Quốc hội. Như vậy thống nhất trong cơ cấu tổ chức bộ máy, tương xứng với vai trò vị trí của 2 Ban này”, ĐB Thưởng kiến nghị.
Đây cũng là quan điểm được ĐB Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh trong phiên thảo luận tại Tổ về dự thảo Luật này sáng 29/10 vừa qua.
Cụ thể, theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, cần nghiên cứu theo hướng nâng cấp 2 Ban là Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện (2 Ban này hiện nay thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội).
Đối với Ban Công tác đại biểu, đây là cơ quan lo toan không chỉ tiêu chuẩn, điều kiện quy trình bầu đại biểu mà lo cả cơ chế chính sách và các khâu trong công tác cán bộ.
“Ban Công tác đại biểu làm tốt sẽ có đại biểu tốt, tất nhiên còn cả hệ thống chính trị, nhưng Ban phải lo để có đại biểu đủ năng lực, phẩm chất, uy tín và điều kiện khả năng hoàn thành nhiệm vụ đại biểu. Nhiệm vụ này rất lớn, liên quan đến con người nên rất nhạy cảm và phức tạp. Nên chăng trao cho Ban nhiệm vụ, thẩm quyền ngang với nhiệm vụ hiện nay hay không, các cơ quan chuyên môn phải nghiên cứu”, ông Chính nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận