Chiều nay (11/7), Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ có cuộc đàm phán lần thứ hai để chốt mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 2020 gửi lên Chính phủ quyết định.
Trước đó, trên cơ sở phân tích bức tranh tăng trưởng kinh tế đất nước, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đề xuất 3 phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 từ 6,5-8,1%. Cụ thể, phương án 1 là tăng 8,1% tương ứng từ 180-380 nghìn đồng; phương án 2 tăng 7,6% tương ứng từ 160-330 nghìn đồng. Phương án 3 tăng 6,51% tương ứng với 150-300 nghìn đồng.
Tuy nhiên, đại diện phía doanh nghiệp, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lại đề xuất chỉ tăng ở mức dưới 3%; trong khi đó, ý kiến từ bộ phận kỹ thuật thuộc Hội đồng tiền lương Quốc gia với đề xuất tăng 5,2%.
Đề cập tới vấn đề lương tối thiểu vùng, ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ Lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, mặc dù mục tiêu cụ thể đến năm 2020 tiền lương phải đạt được mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình của họ nhưng thực tế, hiện nay chúng ta chưa đạt được, mức lương luôn luôn chạy theo mức sống tối thiểu.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, điều quan trọng trong thương lượng lương tối thiểu vùng là phải căn cứ vào mức sống tối thiểu, thế nhưng hiện chưa có cơ quan nào chính thức công bố mức sống tối thiểu. Hiện nay, cách xác định mức sống tối thiểu chủ yếu dựa vào tính toán của tổ kỹ thuật, nhưng cách tính này chỉ mang tương đối và tham khảo, vì các bên không sử dụng ngay các tính toán của tổ kỹ thuật, quan điểm về tiếp cận số liệu thông tin cũng khác nhau…
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Thắng, Phó chủ tịch Công đoàn khu chế xuất Hà Nội khẳng định, các DN đang trả mức lương cao hơn nhiều so với mức lương tối thiểu là hơn 4 triệu đồng.
“Tôi không hiểu sao, Bộ LĐTBXH và Hội đồng Tiền lương quốc gia cứ khảo sát, họp hành mãi để quy định mức tăng lương tối thiểu hàng năm, nhưng lương vẫn thấp hơn lương DN đang trả cho người lao động. Điều này dẫn tới sự lình xình, tranh chấp không đáng có”, ông Thắng nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận