Giảm 75% điện năng chiếu sáng tàu
Hầu hết hệ thống chiếu sáng trên tàu thủy hiện nay sử dụng các loại đèn truyền thống như: Huỳnh quang, sợi đốt, compact, trong khi nguồn cung cấp năng lượng điện trên tàu thủy có giá thành cao. Theo TS. Chu Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ GTVT), đây chính là tiền đề để Bộ GTVT giao Trường Đại học Hàng hải VN thực hiện dự án NL 132002 - Thiết kế, chế tạo hệ thống chiếu sáng tiết kiệm điện năng trên tàu thủy, triển khai áp dụng cho tàu hàng có trọng tải 300 tấn, phù hợp với quy mô kinh phí và điều kiện thực hiện thi công, lắp đặt. Dự án này nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực GTVT năm 2012-2015.
Còn theo TS. Nguyễn Văn Dũng, Phó phòng quy phạm (Cục Đăng kiểm VN), dự án NL 132002 tiến hành lắp đặt một hệ thống chiếu sáng tiện nghi thay thế hệ thống cũ trên tàu của Trường Đại học Hàng hải VN. Tàu được thiết kế, lắp đặt hệ thống chiếu sáng hiệu suất cao sử dụng thiết bị chiếu sáng vật liệu mới - thiết bị chiếu sáng bán dẫn LED, tự động hóa tính toán thiết kế chiếu sáng sử dụng phần mềm thiết kế chiếu sáng chuyên dụng, ứng dụng công nghệ điều khiển tự động trong kỹ thuật chiếu sáng.
Công nghệ chiếu sáng bán dẫn đã và đang được ứng dụng hiệu quả và được đánh giá là công nghệ chiếu sáng của thế kỷ 21. Dự báo, đến năm 2020 khoảng 50% thiết bị chiếu sáng trên thế giới là thiết bị chiếu sáng bán dẫn. Hệ thống chiếu sáng trên tàu thủy cũng không nằm ngoài xu thế phát triển này. |
Theo Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Hàng hải VN, hệ thống chiếu sáng chính của tàu trước đó sử dụng nguồn điện 110VAC, tổng công suất tiêu thụ điện năng của cả tàu khoảng 56,5KW. Hệ thống chiếu sáng chính chiếm trên 10% tổng công suất tiêu thụ điện của cả tàu và có thời lượng sử dụng lớn nhất trong số các thiết bị tiêu thụ điện năng của tàu biển nói chung.
Toàn bộ các đèn sợi đốt E27 có công suất từ 60W đến 100W được thay bằng các bộ đèn LED E27, có công suất 5W (tối đa 10W). Các bộ đèn huỳnh quang được thay thế bởi loại tube LED 60cm, công suất tiêu thụ của mỗi đèn từ 9 -10W cho cường độ ánh sáng cao hơn gần hai lần so với loại đèn huỳnh quang đang sử dụng. Như vậy, tổng công suất tiêu thụ giảm xuống còn 1.500W so với tổng công suất tiêu thụ của hệ thống chiếu sáng hiện tại là 5.800W, đồng thời cường độ chiếu sáng đạt và vượt yêu cầu của Đăng kiểm VN.
Theo dõi sau đó, dự án so sánh tiền điện sinh hoạt của tàu khi đậu tại bến, lượng chi phí cho tiền điện sinh hoạt đã giảm đi đáng kể, khoảng 30,76%. Trong trường hợp tàu hành trình trên biển, lượng nhiên liệu cũng giảm đi đáng kể khi so sánh trong hai trường hợp khoảng 8,4%.
Giảm 75% lượng CO2 phát thải
Đèn LED, bên cạnh tính kinh tế và tuổi thọ cao, đến 100 nghìn giờ, còn có khả năng nổi bật trong những điều kiện khắc nghiệt như môi trường biển chịu tác động của độ ẩm, hơi nước mặn, điều kiện sóng gió, thời tiết thay đổi thường xuyên.
TS. Nguyễn Văn Dũng cho biết, đèn LED sử dụng các điốt có khả năng phát ra ánh sáng hay tia hồng ngoại, tử ngoại, có nhiều màu sắc khác nhau, thay đổi đa dạng, tuổi thọ đèn cao, không sử dụng các vật liệu độc hại như chì, thủy ngân nên không gây ô nhiễm môi trường. Đèn LED nano lắp đặt cho chiếu sáng trên tàu công suất tiêu thụ không nhiều cho nên lượng khí thải nhà kính CO2 phát ra giảm đáng kể. Thiết kế của bộ đèn LED và khả năng kiểm soát cho phép lượng khí thải CO2 giảm đến 75% so với chiếu sáng bằng đèn cao áp.
Mặc dù công nghệ LED cho chiếu sáng trên tàu thủy ở Việt Nam còn khá mới mẻ, hiện mới có khoảng 20 công ty sản xuất đèn chiếu sáng LED với công suất và thị trường chưa nhiều, tuy nhiên, với các ưu điểm nổi bật, dễ tích hợp với các công nghệ điều khiển hiện đại và sử dụng phù hợp với các nguồn năng lượng tái tạo như pin mặt trời, phong điện nên tương lai không xa công nghệ LED hoàn toàn có khả năng thay thế được tất cả các loại đèn truyền thống khác trong ngành Hàng hải.
Phương Anh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận