Tìm cách bùng cọc trước khi đấu giá
Ngày 3/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố các bị can liên quan vụ trả giá đất đấu giá lên đến 30 tỷ đồng/m2, sau đó bỏ đấu giá, xảy ra tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
Các đối tượng bị điều tra về tội Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản, quy định tại Điều 218 Bộ luật Hình sự gồm: Phạm Ngọc Tuấn (SN 1991, nhân viên ngân hàng), Ngô Văn Dương (SN 1994, nhân viên Công ty TNHH Spiece), Nguyễn Đức Thành (SN 1992, nhân viên Công ty TNHH Spiece).
Nguyễn Thế Trung (SN 1994), Nguyễn Thế Quân (SN 1994) và Nguyễn Thị Quỳnh Liên (SN 1981).
Theo điều tra, tháng 11/2024, Phạm Ngọc Tuấn biết được thông tin về cuộc đấu giá quyền sử dụng đất ở tại dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật chỉnh trang, phát triển khu dân cư nông thôn (thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn.
Tuấn đã nhờ Ngô Văn Dương mua hồ sơ đấu giá do Công ty Thanh Xuân là đơn vị phối hợp tổ chức cuộc đấu giá phát hành với giá 200.000 đồng/bộ (56 hồ sơ) và 500.000 đồng/bộ (2 hồ sơ).
Có kinh nghiệm trong việc thẩm định giá đất, Tuấn mua hồ sơ và tìm hiểu thông tin 58 thửa đất sẽ tiến hành đấu giá và định giá có thể đưa ra để mua đối với từng thửa đất.
Tiếp đó, để chắc chắn trúng đấu giá được các lô đất như ý, Tuấn thỏa thuận với các đối tượng Liên, Thành, Trung, Quân và Dương cùng tham gia đấu giá, sau đó bàn bạc thống nhất sẽ thực hiện việc nâng giá tại buổi đấu giá.
Cụ thể, Tuấn đưa ra bảng giá tham khảo đối với từng lô đất do Tuấn tính toán, chuẩn bị từ trước. Theo bảng tính này, các lô đất có giá từ 20 - 32 triệu đồng/m2 (tương đương khoảng từ 1,7 - 3,9 tỷ đồng/lô đất).
Họ thỏa thuận, đây là giá cao nhất có thể mua của từng lô đất nên nếu ở vòng 4 người trả giá cao nhất mà vẫn ở dưới mức giá Tuấn đã ghi trong bảng tính, thì các đối tượng còn lại sẽ tham gia tiếp vòng 5 và 6, nhưng không trả giá vượt quá mức giá do Tuấn đã thẩm định.
Còn nếu vòng 4 có người trả giá vượt mức giá tối đa do Tuấn đưa ra, các đối tượng sẽ đưa ra một mức giá cao bất thường tại vòng 5, nhưng bỏ đấu giá tại vòng cuối. Vì vậy, việc đấu giá sẽ buộc phải dừng để tổ chức lại. Khi đó, các đối tượng sẽ không mất tiền đặt cọc và có cơ hội tiếp tục tham gia lần sau.
Trả giá hơn 30 tỷ/m2 theo ngẫu hứng
Để thực hiện kế hoạch, các đối tượng đã chuyển khoản tiền cho Dương và Tuấn. Sau đó, Tuấn chuyển khoản tổng cộng 3,616 tỷ đồng cho Công ty Thanh Xuân để đặt cọc đấu giá mua đất.
Cơ quan công an làm rõ, thực tế tại phiên đấu giá ngày 29/11, ban đầu các đối tượng đấu giá theo trình tự giá đạt mức có thể mua được.
Nhưng khi phát hiện giá đấu của 36/58 lô đất vượt mức tối đa mà các đối tượng đã bàn bạc từ trước, tại vòng 5 các đối tượng đã đưa ra mức giá rất cao, vượt xa giá khởi điểm.
Thậm chí, Phạm Ngọc Tuấn còn đưa ra mức giá trên 30 tỷ/m2 (cao gấp khoảng 12.000 lần mức giá khởi điểm). Điều này dẫn đến việc 36 lô đất đấu giá không thành công.
Quá trình điều tra, Phạm Ngọc Tuấn và 5 đối tượng còn lại đều khai, trước và trong khi tham gia đấu giá tại huyện Sóc Sơn, họ đã nhiều lần gặp gỡ để trao đổi bàn bạc và thông đồng thống nhất việc nâng giá đấu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận