Ham lợi nhuận, góp hàng chục tỷ
Cuối tháng 3/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn giáo dục Egroup, Công ty CP Đầu tư và Phân phối Egame) và đồng phạm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bị hại trong vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn giáo dục Egroup, Công ty CP Đầu tư và Phân phối Egame do Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc.
Trước đó, Bộ Công an nhận được đơn của nhiều nhà đầu tư tố cáo Nguyễn Ngọc Thủy có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức chuyển nhượng cổ phần Công ty CP Tập đoàn giáo dục Egroup.
Là một trong những nhà đầu tư bị chiếm đoạt gần 10 tỷ đồng trong vụ án trên, bà N.T.L (SN 1952, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã phải mất nhiều thời gian đi tìm hiểu, nhờ người hướng dẫn đòi quyền lợi, nhất là sau khi Bộ Công an công bố thông tin khởi tố bị can.
Bà L cho biết, bản thân là hưu trí, sau khi về hưu có dành dụm được một khoản tiền rồi mang đi gửi tiết kiệm ở ngân hàng. Khoảng năm 2021, bà L được một người giới thiệu nên biết Egroup đang huy động vốn đầu tư với mức lãi suất lên đến 15%/năm.
Sau nhiều đêm suy nghĩ, bà L đã rút khoản tiền tiết kiệm, cùng với khoản có được sau khi cầm cố sổ đỏ để mang đi đầu tư dưới hình thức tiền gửi. Không dừng lại ở đó, bà L còn đi vay thêm để tham gia đầu tư, với mong muốn có thêm "đồng ra, đồng vào" tích cóp cho khoản tiết kiệm của mình.
Trường hợp của ông N.V.P (SN 1954, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại éo le hơn. Chia sẻ với PV, ông P cho biết, khoảng cuối năm 2021, đầu năm 2022, nghe người quen giới thiệu, ông và một số người thân sử dụng toàn bộ khoản tiền dành dụm hàng chục năm để đầu tư vào Egroup.
"Người môi giới bảo rằng công ty này rất phát triển với hàng chục cơ sở đào tạo về giáo dục, nên khá uy tín. Lúc đó, các đối tượng đưa ra mức lãi suất cao hơn nơi khác. Do đó, tôi và nhiều người đã góp hàng chục tỷ đồng để trở thành nhà đầu tư" ông P kể.
Sau khi Bộ Công an thông tin về việc Shark Thủy và đồng phạm bị khởi tố, ông P, bà N và hàng chục nhà đầu tư kéo nhau đến trụ sở Egroup để tìm người đại diện doanh nghiệp. "Nhưng khi đến thì trụ sở này chẳng còn gì, chúng tôi còn bị công ty gây khó khăn, đe dọa", ông P chia sẻ.
Những chiêu thức lừa đảo tinh vi
Trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Tân Hoàng Minh, ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch tập đoàn đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện phương án phát hành trái phiếu thông qua các công ty thuộc "hệ sinh thái" Tân Hoàng Minh.
Hàng nghìn bị hại trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu tại Công ty CP Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Để huy động vốn, các bị cáo chỉnh sửa hàng loạt báo cáo tài chính để cho các công ty trong "hệ sinh thái" đủ điều kiện phát hành. Sau đó, các bị cáo ký nhiều hợp đồng thực hiện dự án hợp tác không có thật, nhằm tạo lòng tin với nhà đầu tư.
Trong hai năm, hơn 90 triệu trái phiếu có tổng trị giá trên 10.000 tỷ đồng được bán lại cho Tân Hoàng Minh qua hình thức chạy dòng tiền khống. Qua đó, các bị cáo bán lại cho nhà đầu tư rồi thu về 14.000 tỷ đồng. Trong số này, hơn 5.000 tỷ đồng được Tân Hoàng Minh lấy từ người mua sau trả cho người mua trước.
Trước đó, tháng 11/2023, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã khởi tố Phạm Mỹ Hạnh (SN 1980, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh). Từ tháng 8/2017 - 11/2022, bà Hạnh đã có hành vi đưa thông tin không đúng sự thật về việc công ty có dự án đầu tư trồng cây sâm Ngọc Linh tại một số tỉnh trên cả nước, mang lại lợi nhuận cao.
Với "dự án" này, bà Hạnh đã huy động vốn của nhiều cá nhân với tổng số tiền lên tới hơn 1.264 tỷ đồng. Để các nhà đầu tư tin tưởng, người phụ nữ này đã sử dụng một phần tiền huy động được để trả lãi cho họ, song thực chất, đó chỉ là chiêu trò "mỡ nó rán nó".
Tháng 1/2024, Công an TP Hà Nội khởi tố bà Phạm Thị Hòa (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Sen Tài Thu) và đồng phạm. Từ tháng 10/2020 - 3/2023, hơn 400 nhà đầu tư đã ký kết mua bán cổ phần với Phạm Thị Hòa thông qua khoảng hơn 1.000 hợp đồng, chuyển số tiền khoảng hơn 1.000 tỷ đồng và bị chiếm đoạt một phần tiền.
Đánh vào lòng tham
Trực tiếp tư vấn hỗ trợ pháp lý cho hàng chục bị hại là nhà đầu tư trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới dạng lừa huy động vốn nêu trên, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, hình thức chiếm đoạt tài sản này rất tinh vi.
Theo luật sư, đa số nhà đầu tư (được xác định là bị hại) là những người ở độ tuổi trung niên và đã về hưu, thậm chí có bị hại gần 80 tuổi. "Có nhà đầu tư quê ở Hà Tĩnh nhờ hỗ trợ đòi quyền lợi đối với khoản đầu tư mà họ cho rằng bị chiếm đoạt gần 20 tỷ đồng", luật sư Hùng cho hay.
Chỉ ra thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong các vụ án tương tự, luật sư Hùng phân tích, các doanh nghiệp thường đưa ra thông tin quảng cáo, số liệu gian dối và sai sự thật về việc công ty đang thực hiện dự án lớn. Sau đó, các đối tượng kêu gọi nhà đầu tư nộp tiền góp vốn dưới một trong các hình thức như phát hành trái phiếu, hợp đồng tiền gửi, chuyển nhượng cổ phần… hứa hẹn trả lợi nhuận cao.
Cùng với quá trình huy động vốn, các đối tượng tung hình ảnh mình là doanh nhân thành đạt, lên truyền hình chia sẻ kinh nghiệm và tổ chức các hội thảo, sự kiện quảng bá. Mục đích để bị hại tin rằng dự án đó có thật, công ty kinh doanh có lãi thật và uy tín, từ đó các nhà đầu tư góp số tiền không nhỏ rồi bị chiếm đoạt. Khi lấy được tiền, các đối tượng dùng để trả nợ, chi tiêu mà không đầu tư dự án như cam kết.
Làm gì để tránh rủi ro khi đầu tư?
Đưa ra khuyến cáo, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng cho rằng, khi có nhu cầu đầu tư để hưởng lãi suất, các nhà đầu tư cần phải trực tiếp tham gia quản lý, theo dõi chính nguồn tiền mà mình bỏ ra, thay vì chỉ góp vốn rồi chờ hưởng quyền lợi. Nhà đầu tư cũng cần tìm hiểu rõ về nguồn gốc doanh nghiệp gọi vốn, làm rõ tính pháp lý của hoạt động huy động vốn và dự án liên quan để tránh rủi ro.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận