Ghi nhận của PV Báo Giao thông, đến chiều tối 27/2, công tác tìm kiếm nạn nhân mất tích, khắc phục hậu quả vụ chìm tàu cao tốc vẫn đang được các cơ quan chức năng, địa phương triển khai. Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự, Cục CSGT vào hiện trường điều tra nguyên nhân.
Ngoài những đánh giá từ cơ quan chức năng, nhiều lái tàu du lịch, người dân, kể cả lãnh đạo địa phương cho rằng cần có đánh giá về loại tàu cao tốc đóng kín, gây khó công tác cứu nạn, dễ gia tăng thương vong khi tàu lật úp.
Nhiều tàu cao tốc cùng loại với chiếc tàu vừa gặp nạn.
Theo nhiều người dân địa phương, việc sử dụng tàu cao tốc đóng kín thì nhìn hình thức đẹp, sang trọng hơn, chất lượng và các tiện ích phục vụ cũng tăng lên so với các tàu gỗ, ca nô loại nhỏ trước đây.
Ưu điểm của tàu này là đóng kín, che chắn nên che nắng, mưa, nước biển tạt tốt. Trong khi đó, loại ca nô nhỏ có thể bị nước biển tạt, hứng gió, sức chở ít hơn.
Tuy nhiên, khi xảy ra tai nạn như lật ca nô không thể bị chìm, đắm. Hành khách ở trong ca nô cũng dễ dàng thoát ra ngoài do có khoang hở, không kín. Nếu hành khách mặc áo phao thì dễ dàng nổi lên mặt nước để các đơn vị có thể đến hiện trường triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn.
Anh Trần Văn Minh (trú P. Cửa Đại) cho hay, là ngư dân thường xuyên tham gia đánh bắt, lái tàu trên địa bàn, tôi khá bất ngờ về hậu quả vụ tai nạn này. Theo thông tin có được, thời điểm tàu cao tốc bị lật chìm, có các tàu khác đang chạy trước và sau, nên nếu hành khách không bị "nhốt" trong khoang kín (sau khi úp) thì rất có thể họ đã trồi lên mặt biển. Từ đây, các tàu bạn sẽ dễ dàng phát hiện và ứng cứu.
Ông Phạm Ngọc Hùng (trú TP. HCM), nạn nhân may mắn sống sót trong vụ lật tàu cao tốc kể: Ông cùng vợ và 6 người bạn đến Hội An du lịch. Mọi người tham gia tour ghép trên tàu du lịch ra Cù Lao Chàm. Chiều 26/2, khi lên tàu trở về đất liền, lúc gần đến Cửa Đại thì gặp nạn.
"Cảnh tưởng lúc đó rất hoảng loạn. Tàu lật rất nhanh, cả khoang tàu như túi nước, không ai có thể dễ dàng thoát ra ngoài. Lúc đó tôi cố nhoài người đến cửa sổ, tìm mãi không thấy vợ đâu, rồi sau đó tôi tìm được cánh cửa và rướn lên trên. Nếu lúc đó cửa mở, vợ tôi thoát được ra ngoài, nổi lên mặt nước thì cơ hội được cứu sống sẽ nhiều hơn", ông Hùng nói.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết: Hiện Hội An có khoảng hơn 100 tàu cao tốc của 40 doanh nghiệp vận tải đang khai thác.
Từ năm 2018, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định Phê duyệt phương án nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách trên tuyến đường thuỷ nội địa quốc gia Hội An - Cù Lao Chàm. Theo đó, đã thay các loại ca nô bằng tàu cao tốc đóng kín, chủ yếu composite như hiện nay.
Chiếc tàu bị chìm được hoạt động tối đa ở cấp độ gió là cấp 5 Beaufort
Loại tàu nâng cao chất lượng dịch vụ, nhưng sau vụ tai nạn vừa qua, cũng đặt ra một số vấn đề để địa phương, cơ quan chức năng nghiên cứu về ảnh hưởng công tác cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra chìm tàu.
Theo ông Sơn, trên tuyến Hội An - Cù Lao Chàm này từng xảy ra 4 vụ tai nạn. Nhưng trước nay thương vong rất ít. Ngay như vụ tai nạn năm 2011, cũng không đau xót như hiện nay, việc cứu nạn thành công, hạn chế tối đa thương vong.
"Chúng tôi chưa nói về quy chuẩn, thông số kỹ thuật tàu vì đây là của các đơn vị chuyên môn, nhưng thực tế cho thấy với những tàu cao tốc đóng kín rất khó khăn cho công tác cứu hộ. Nếu tàu hở như ca nô trước đây, nạn nhân có thể bơi thoát lên trên mặt nước. Còn ở đây, khi chúng tôi đến hiện trường cứu nạn, các nạn nhân đều tử vong ở ngay trong khoang tàu", ông Sơn nói.
Chia sẻ với PV, ông Sơn cho hay, ngay cả công tác cứu hộ cứu nạn, nhiều lực lượng chức năng không an tâm khi mình dùng tàu cao tốc hiện nay, rất dễ gặp nguy hiểm.
"Năm 2011 khi cứu nạn tàu chìm chúng tôi dùng mô tô nước và cứu nạn rất hiệu quả. Mô tô vừa cơ động, nếu chẳng may bị lật cũng không chìm, vì vận hành cơ chế "con lật đật". Hội An kiến nghị tỉnh để triển khai mô tô nước và trạm cứu nạn ngay trên biển trong thời gian tới", ông Sơn nói.
Trực tiếp hiện trường khắc phục hậu quả chìm tàu, Phó chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, sẽ tiếp nhận tất cả các thông tin, đánh giá của người dân, địa phương về vụ việc. Đây là cơ sở thực tiễn quan trọng. Tuy nhiên, việc ưu tiên trước mắt là cứu nạn, tìm kiếm nạn nhân mất tích và khắc phục hậu quả. Đồng thời, sau khi có kết luận cuối cùng từ cơ quan điều tra, các đơn vị chức năng sẽ họp bàn, rà soát để có các giải pháp phù hợp.
"Đến thời điểm này, các đơn vị chức năng chưa phát hiện bất thường trong quy trình, quy định hoạt động tàu QNa-1152 trong ngày 26/2. Tàu cao tốc, thuyền trưởng, thuyền viên... đảm bảo quy định, bằng cấp, chứng chỉ, đăng kiểm. Sau khi có kết luận cơ quan điều tra, Bộ GTVT sẽ làm việc với địa phương, cơ quan chức năng để triển khai các giải pháp tổng thể, đảm bảo ATGT trên tuyến Hội An - Cù Lao Chàm nói riêng và các tuyến du lịch ra đảo nói chung", ông Hùng nói.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam và Chi cục Đăng kiểm số 4 (đơn vị kiểm định phương tiện thủy QNa-1152) cho biết, tàu QNa-1152 được là tàu cao tốc chở khách, được đóng năm 2016. Tàu QNa-1152 có vỏ làm bằng vật liệu composite, được hoạt động trong điều kiện gió tối đa cấp 5 Beaufort. Chủ phương tiện theo đăng ký là Công ty TNHH MTV du lịch Phương Đông (phường Cửa Đại, TP. Hội An, Quảng Nam), có tổng công suất máy 400CV, được hoạt động trong vùng pha sông biển (SB).
Phương tiện có chiều dài lớn nhất 10,33m, rộng 2,45m và chiều cao mạn lớn nhất 1,54m; được chở 35 người và trọng tải toàn phần 4,1 tấn. Phương tiện được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm định kỳ gần nhất vào ngày 19/1/2022 và có thời hạn đến 19/1/2023. Hiện phương tiện tai nạn đã được đưa ra khỏi vị trí bị nạn và đang được neo đậu ở ven bờ.
Theo Cục Đăng kiểm VN và Chi cục Đăng kiểm số 4 (đơn vị kiểm định phương tiện thủy QNa-1152), công suất máy là 400CV, sức chở cho phép 35 người (chưa tính thuyền viên). Tuy nhiên, đến nay cơ quan chức năng cung cấp cho báo chí thì có 36 khách ngồi trên ca nô và 3 thuyền viên trong vụ lật ca nô, tổng số người trên ca nô là 39 người.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận