Nguồn tin của Báo Giao thông cho hay, mới đây, tại Cảng HKQT Đà Nẵng, thợ máy kiểm tra kỹ thuật đã phát hiện động cơ của máy bay A319, số đăng bạ VN-A581 đã bị móp động cơ sau khi thực hiện chuyến bay QH2001 từ Hải Phòng về Đà Nẵng.
Bộ phận chuyên môn tại sân bay này đã phối hợp với Cảng vụ hàng không miền Trung, kiểm tra theo lộ trình hạ cánh, lăn vào vị trí đỗ của máy bay nhưng không phát hiện vật ngoại lại, hệ thống sân đường hoạt động bình thường. Nguyên nhân được cơ quan chức năng nghi ngờ là do va chạm với chim.
Một vụ việc tương tự cũng xảy ra tại Cảng HKQT Phú Bài khi nhân viên kỹ thuật tàu bay phát hiện có lông chim trong động cơ máy bay của máy bay VN-A652 mang số hiệu VJ310. Thợ máy sau đó đã mất gần 6 giờ đồng hồ để kiểm tra kỹ thuật tàu bay trước khi xác định máy bay đủ điều kiện hoạt động.
Trực ban Cảng HKQT Phú Bài phối hợp với đội khẩn nguy sân bay đã kiểm tra, phát hiện có xác chim trên đường cất hạ cánh và tiến hành vệ sinh đảm bảo hoạt động các chuyến bay tiếp theo.
Trước đó, Báo Giao thông cũng đã từng thông tin về việc máy bay phải chờ tới hơn 40 phút mới có thể cất cánh sau khi nhận được thông tin có đàn chim đậu trên đường băng.
Tổ kiểm tra của sân bay Cát Bi dùng xe có đèn chớp, còi hú chạy vào đường băng xua đuổi. 40 phút sau khi chờ đợi, sân bay mới đuổi hết chim khỏi đường băng và chuyến bay có thể cất cánh an toàn.
Hồi giữa tháng 7/2020, tại CHK quốc tế Phú Quốc, một tổ bay cũng phát hiện có chim trên đường băng và đề nghị an ninh hàng không ra kiểm tra. An ninh hàng không phát hiện 2 chim ó đang đậu trên đầu đường băng và đãxua đuổi chim ra khỏi khu vực trên.
Cách đó khoảng một tuần, cũng tại sân bay này, máy bay thực hiện chuyến bay VN1313 từ Vinh đến Phú Quốc khi vào sân đỗ số 8, thợ máy phát hiện xác chim bên trong động cơ số 1 nên cho máy bay tạm dừng khai thác, chờ kiểm tra khắc phục.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, các sân bay xảy ra vụ việc liên quan đến chim va đập nhiều nhất là Tân Sơn Nhất, Đồng Hới, Phú Quốc, Vinh. Nguy hiểm nhất là nhiều loài chim di cư bay ở tầm 300-500 m thường bay cắt ngang đường cất/hạ cánh mà ngành hàng không không kiểm soát được.
“Các tỉnh phía nam có nhiều đồng ruộng lớn, là nơi sống của chim, nơi di cư nên dễ ảnh hưởng hoạt động bay”, đại diện Cục Hàng không Việt Nam nói và cho biết thời gian qua, TCT Cảng hàng không VN (ACV) đã áp dụng nhiều phương pháp đuổi chim, bắn chim bằng các loại máy có sóng nhưng chưa thực sự hiệu quả, do đó, hiện lực lượng chức năng tại các sân bay vẫn tiến hành cắt cỏ, dọn quang các rãnh nước, bụi rậm để tránh các loài ếch nhái thu hút chim.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận