Xã hội

Chín năm đón Tết dưới đường hầm sông Sài Gòn

12/02/2021, 20:00

Đúng 23h, bên trong đường hầm, khoảng 30 công nhân, kỹ sư bắt tay vào việc vệ sinh, bảo trì. Công việc này kéo dài đến rạng sáng hôm sau...

img

Từ bộ lọc bụi tĩnh điện, anh Đặng Quang Chương nhặt ra một con chuồn chuồn bị hút từ quạt thông gió đẩy xuống

23h đêm, đường hầm qua sông Sài Gòn đóng lại. Không còn những chiếc xe ngược xuôi với đèn pha loang loáng, người thợ vận hành, bảo dưỡng đường hầm bắt đầu công việc thầm lặng của mình. Bên trên, đường phố Sài Gòn vẫn náo nhiệt…

Vừa duy tu, vừa cứu nạn

Khi tiếng loa phát thanh thông báo giờ cấm xe vang lên, đúng 23h, bên trong đường hầm, khoảng 30 công nhân, kỹ sư bắt tay vào việc vệ sinh, bảo trì. Công việc này kéo dài đến rạng sáng hôm sau.

Đội vệ sinh, bảo trì đảm bảo ATGT đường hầm sông Sài Gòn hiện có 140 người làm 3 ca, trực chiến 24/24h. Ở hai đầu hầm, các nhóm công nhân tất bật quét dọn, lau bụi đinh phản quang để tăng khả năng bắt ánh sáng. Nhóm khác kiểm tra, sửa chữa những thanh chắn barie hư hỏng ngăn giữa làn ô tô và xe máy.

Gạt những giọt mồ hôi trên trán, anh Nguyễn Thanh Tân nói: “Ngày nào cũng phải quét dọn, đất cát, bụi bẩn từ các xe, nhất là xe tải chở vật liệu xây dựng rơi vãi nhiều lắm. Cực nhất là những ngày mưa, đất cát rơi vãi nhiều, mọi người làm việc vất vả hơn”.

Từng 9 năm làm việc ở Đội cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm ATGT trong đường hầm, anh Trần Lê Anh Luân kể: “Có những đêm khi cửa hầm dành cho làn xe máy đã đóng, vẫn có người cố tình vượt qua và nếu không né nhanh sẽ bị xe tông ngay!”.

Theo anh Luân, từ ngày thông hầm đến nay, có lúc trực đêm, có khi trực ngày nhưng chưa ngày lễ, Tết nào được ở nhà với gia đình.

“Do đặc thù công việc, không chỉ mình tôi mà các anh em khác cũng vậy. Không đưa vợ con đi chơi được vào những dịp đặc biệt ấy nhiều lúc cũng thấy tủi thân, nhưng giờ quen rồi”, anh Luân nói và cho hay, công việc tuy vất vả nhưng vui vì Đội đã hỗ trợ, giúp được khoảng 70 trường hợp người dân bị tai nạn, gặp sự cố trong đường hầm.

Anh Luân cho biết, đêm Giao thừa công việc của anh em vất vả hơn. “Sau khi kết thúc bắn pháo hoa, lượng phương tiện đổ ra đường, qua hầm tăng cao, chúng tôi phải tập trung điều tiết giao thông, đảm bảo an toàn cho người dân đi lại đến tận sáng hôm sau”, anh Luân nói.

Anh Luân nhớ lại, trong ca trực đêm cách đây mấy năm, một phụ nữ trung tuổi đi xe máy trong đường hầm gặp tai nạn khiến đầu đập xuống đường, chảy nhiều máu. Ngay sau đó, anh và đội cứu nạn đã nhanh chóng đưa người bị nạn đi bệnh viện, cứu được tính mạng người phụ nữ đó.

Còn anh Lương Duy Khánh, người có 8 năm làm trong Đội Cứu nạn, cứu hộ đường hầm sông Sài Gòn cho hay, đã từng sơ cấp cứu cho nhiều người bị tai nạn, va quệt trong đường hầm.

“Có những người mình giúp đã quay lại cảm ơn và chỉ cần thế thôi, anh em như được động viên, tạo động lực để thấy công việc của mình có ý nghĩa hơn, cần cố gắng hơn”, anh Khánh nói.

Bồi hồi nhớ lại vụ tai nạn trong hầm gần đây, anh Khánh bảo: “Nếu đội cứu nạn trong hầm chỉ chậm vài giây thì nạn nhân sẽ nguy hiểm đến tính mạng”. Hôm đó, người đàn ông trung niên đi xe máy vừa đến cửa hầm thì tự ngã tông vào bó vỉa hè trong hầm rồi văng xuống đường, máu mũi trào ra, nạn nhân nằm bất tỉnh.

Ngay lập tức, anh Khánh cùng Đội Cứu hộ khẩn trương sơ cấp cứu ban đầu, thông đường thở và đưa nạn nhân đến Bệnh viện Sài Gòn cấp cứu.

“Vừa đặt lên giường bệnh của Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Sài Gòn, nạn nhân có triệu chứng ngưng tim, ngưng thở nên ngay lập tức các bác sĩ lao vào cứu người. Anh em hồi hộp đứng chờ bên ngoài.

Lúc sau bác sĩ ra thông báo bệnh nhân đã thở trở lại, mọi người mừng quýnh vì chỉ chậm vài giây là nạn nhân sẽ mất mạng. Lần đó anh em chờ người nhà nạn nhân đến mới yên tâm trở về”, anh Khánh kể.

Một lần khác, sáng 15/10/2018 xảy ra vụ sập giàn giáo trước cửa hầm, rơi trúng một người đi xe máy hướng từ quận 1 về quận 2.

“Ngay lập tức, lực lượng cứu hộ của đường hầm đã chui vào giàn giáo kéo nạn nhân đến vị trí an toàn, sơ cấp cứu ban đầu và đưa nạn nhân đi bệnh viện. Do phát hiện nhanh, người này được cấp cứu kịp thời nên không ảnh hưởng đến tính mạng”, anh Khánh cho hay.

Bên trong “lá phổi” của đường hầm

img

Công nhân kiểm tra, vệ sinh cánh dẫn dòng hướng gió

Khu vực tháp phía Đông gồm 3 tầng. Dưới tầng B1 là buồng lọc bụi tĩnh điện, tầng B2 là thiết bị máy xử lý bụi, tầng B3 ở độ sâu 17m so với mặt đất, đặt các thiết bị máy bơm, thoát nước, chữa cháy. Mỗi bộ phận có thể bảo dưỡng 1 tháng hoặc 3 tháng/lần nhưng cũng có thiết bị phải vệ sinh hàng ngày.

Trong bóng tối, công nhân, kỹ sư của Đội vận hành bảo trì đường hầm soi đèn vệ sinh các lá thép của hệ thống lọc bụi tĩnh điện, thiết bị được coi là “lá phổi” của đường hầm. Khí thải từ động cơ xe rất độc, nếu không xử lý sẽ ảnh hưởng đến an toàn của người tham gia lưu thông.

Cặm cụi soi từng lá thép từ bộ lọc bụi tĩnh điện, kỹ sư Đặng Quang Chương, người có thâm niên 9 năm làm việc trong hầm, nhặt ra một con chuồn chuồn, bảo: “Khi có những vật thể hay côn trùng bị hút vào cánh quạt rồi đẩy xuống buồng lọc thì hệ thống màng lọc sẽ dừng hoạt động.

Không khí lúc này không được lọc mà đi thẳng, ảnh hưởng đến chất lượng không khí, sức khỏe người tham gia giao thông trong hầm”.

Theo kỹ sư Chương, ở buồng lọc bụi tĩnh điện, việc vệ sinh rất vất vả. Bụi đen kịt, trước khi vào phải mặc đồ bảo hộ, đeo mặt nạ chống độc.

“Bộ phận này nhiều bụi kinh khủng và rất độc hại. Mỗi khi làm xong chui ra, từ đầu đến chân đen như than nhưng anh em đều rất vui vì biết rằng, khi ngày mới bắt đầu, mọi người lưu thông qua hầm sẽ thoải mái, an toàn hơn”, anh Chương hóm hỉnh pha trò.

Cách đường hầm khoảng 100m, tại phòng điều hành, các cán bộ, nhân viên của Trung tâm Quản lý hầm sông Sài Gòn chăm chú theo dõi toàn bộ hình ảnh truyền từ camera.

Kể lại tình huống phát hiện sự cố trong đường hầm mới đây, anh Nguyễn Huỳnh (nhân viên giám sát 54 camera trong đường hầm) khoe: “Tôi được đơn vị khen thưởng khi phát hiện sự cố chiếc xe 7 chỗ tông vào dải phân cách.

Sau khi báo cho lực lượng cứu hộ, điều tiết, qua camera, tôi phát hiện tài xế chở hàng cấm và có dấu hiệu trốn khỏi hiện trường nên báo ngay lực lượng chức năng kịp thời giữ tài xế lại bàn giao cho cơ quan chức năng”.

“Mắt thần” của TP Hồ Chí Minh

Tháng 11/2011, hầm vượt sông Sài Gòn (còn gọi là hầm Thủ Thiêm) được đưa vào hoạt động. Hầm dài 1.490m, rộng hơn 33m và cao gần 9m, có hai chiều xe, mỗi chiều có 3 làn xe gồm 2 làn ô tô và 1 làn xe máy. Công trình được thiết kế có tuổi thọ vận hành 100 năm và chịu được động đất cấp 7. Hiện mỗi ngày có 57.000 lượt ô tô và 320.000 lượt xe máy qua hầm.

Hệ thống hầm qua sông Sài Gòn kết nối và quản lý 775 camera trên toàn thành phố, trong đó có 54 camera quản lý đường hầm. Camera giám sát tải trọng tự động tại 6 vị trí trong thành phố, xử lý lưu thông không đúng tốc độ quy định; giám sát 22 tuyến đường cấm dừng đỗ; điều khiển 188 đèn tín hiệu giao thông trên toàn thành phố và 22 chốt đèn tín hiệu trên đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.