Tại cuộc họp báo Thông tin điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng quý 3/2022 sáng nay 23/9, ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong 9 tháng qua đồng Việt Nam (VND) đã mất giá 4% so với USD.
9 tháng qua, tỷ giá đã tăng 4%. Ảnh minh hoạ
Mức tăng tỷ giá này không phải cao so với nhiều nước trên thế giới trong bối cảnh các nước liên tục phá giá đồng tiền nhưng gần gấp đôi so với hồi 6 tháng đầu năm nay (hơn 2%).
Thông tin với Báo Giao thông mới đây, TS. Lê Xuân Nghĩa cũng dự đoán VND sẽ mất giá trên 2,5% trong cả năm 2022, thấp hơn nhiều so với diễn biến thực tế hiện nay.
Phân tích về vấn đề này, ông Quang cho biết, từ đầu năm đến nay, bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến khó lường, áp lực lạm phát toàn cầu gia tăng, đồng USD quốc tế tăng giá mạnh sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất với tốc độ nhanh, mạnh hơn.
Thống kê của NHNN cho thấy, đến nay đã có 257 lượt tăng lãi suất trên toàn cầu, trong khi cả năm 2021 chi có 113 lượt tăng.
Đại diện NHNN cũng đánh giá, diễn biến lạm phát thế giới và điều hành của Fed gây áp lực lớn lên tâm lý nhà đầu tư, dòng vốn rút ra tạo áp lực mất giá lớn đối với đồng tiền của các quốc gia mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Thống kê đến sáng 20/9/2022, các đồng tiền mất giá mạnh so với USD: TWD (-13,5 %); THB (-11,95%); JPY (-25,18%); KRW (-17,57%); PHP (-13,65%); MYR (-9,67%); INR (-7,44%); CNY (-10,9%); EUR (-13,49%); GBP (-20,02%) so với cuối năm 2021.
Riêng với VND, ông Quang cho biết, là một trong những đồng tiền mất giá ít nhất so với các nước trong khu vực và trên thế giới với mức gần 4%.
Theo NHNN, hỗ trợ cho chính sách tiền tệ và điều hành tỷ giá thời gian qua là nhờ kinh tế trong nước phục hồi tích cực, GDP 6 tháng đạt 6,42%; Lạm phát bình quân 8 tháng 2,58%.
Việt Nam cũng là một trong những nước có tỷ lệ lạm phát thấp nhất thế giới.
Trên cơ sở dự báo năm 2022 với GDP tăng 6,7-8,5%, lạm phát dưới 4%, trong bối cảnh lạm phát thế giới vẫn cao, giá dầu diễn biến phức tạp, NHNN cho biết sẽ điều hành thận trọng, linh hoạt chính sách tiền tệ, mặt bằng lãi suất và tăng trưởng tín dụng hợp lý để hỗ trợ phục hồi kinh tế.
NHNN khẳng định không chủ quan với rủi ro lạm phát, hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, kiểm soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, điều hành tỷ giá linh hoạt.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận