Pháp luật

Chính phủ ban hành kế hoạch hành động giải quyết rủi ro rửa tiền

14/12/2019, 20:44

Chính phủ đã phê duyệt Báo cáo kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2012-2017 & Kế hoạch hành động 2019-2020

img
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã ký Quyết định số 474/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2019 - 2020

Theo Quyết định số 474/QĐ-TTg, Chính phủ đã phê duyệt Báo cáo kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2012-2017 và Kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2019 - 2020.

Báo cáo kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2012-2017 đã xác định rủi ro rửa tiền quốc gia là trung bình cao, rủi ro về tài trợ khủng bố quốc gia là thấp. Báo cáo cũng đã xác định rủi ro rửa tiền cụ thể cho các lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, casino...

Mục tiêu của kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2019 - 2020 là hoàn thiện cơ chế phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố ở Việt Nam; kiểm soát, giảm thiểu rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố được xác định từ kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố giai đoạn 2012 - 2017; đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố; đồng thời phục vụ đánh giá đa phương của Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) đối với cơ chế phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố của Việt Nam trong năm 2019.

Kế hoạch hành động được chia thành 5 nhóm hành động gồm: 1. Nhóm các biện pháp liên quan đến khuôn khổ pháp luật; 2. Nhóm các biện pháp liên quan đến quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền; 3. Hợp tác trong nước; 4. Các sản phẩm tài chính toàn diện; 5. Hợp tác quốc tế.

Theo Báo cáo kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2012-2017, xu hướng và kỹ thuật rửa tiền, tiền và tài sản do phạm tội tạo ra và nguy cơ các lĩnh vực trong nền kinh tế bị lạm dụng vào rửa tiền, nguy cơ rửa tiền mức trung bình.

Mức độ dễ tổn thương quốc gia và mức độ dễ tổn thương về rửa tiền của các ngành, lĩnh vực là trung bình cao.

Căn cứ vào biểu đồ đánh giá rủi ro quốc gia, trên cơ sở đó đã đưa ra kết luận rủi ro rửa tiền quốc gia là trung bình cao.

Kết quả cụ thể mức xếp hạng rủi ro về rửa tiền đối với các lĩnh vực trong nền kinh tế thì Ngân hàng ở mức độ cao.

Sau khi tiến hành đánh giá nguy cơ và mức độ tổn thương về tài trợ khủng bố, Nhóm 8 (do Bộ Công an thành lập theo Quyết định số 83/QĐ-BCA-V61 ngày 12/01/2017) đã đưa ra kết luận:

Nguy cơ về tài trợ khủng bố của Việt Nam được đánh giá ở mức thấp và mức độ tổn thương về tài trợ khủng bố của Việt Nam được đánh giá ở mức thấp. Từ đó, đưa ra kết luận rủi ro tài trợ khủng bố của Việt Nam là thấp.

Căn cứ vào các biện pháp đề xuất trong dự thảo Báo cáo NRA lần 3, Việt Nam sẽ ban hành Kế hoạch hành động NRA giai đoạn 2018 – 2020. Kế hoạch hành động NRA nhằm giải quyết những rủi ro xác định trong Báo cáo đánh giá lần này là những hành động cần thực hiện trong giai đoạn ngắn và trung hạn (2018-2020) nhằm tăng cường cơ chế chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố và chuẩn bị cho đánh giá đa phương của APG vào tháng 10/2019.

Đối với những hành động có tính chất dài hạn (5 năm) liên quan đến sửa đổi, bổ sung khuôn khổ pháp luật vẫn được đưa vào Kế hoạch hành động NRA giai đoạn 2018-2020 với nội dung nghiên cứu, rà soát.

Dự kiến sau khi báo cáo đánh giá của APG về cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố của Việt Nam được thông qua vào tháng 7/2020, NHNN với vai trò là cơ quan đầu mối của Việt Nam trong APG sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động dài hạn (giai đoạn 2021-2026), bao gồm: (i) Những hành động dài hạn theo kết quả NRA của Việt Nam; và (ii) hành động mà APG khuyến nghị trong đánh giá đa phương năm 2019 nhằm giải quyết những thiếu hụt trong cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố của Việt Nam.

Các hành động chính được đưa vào Kế hoạch hành động NRA 2018- 2020 bao gồm các biện pháp liên quan đến khuôn khổ pháp luật, các biện pháp liên quan đến quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền (ví dụ: các cơ quan điều tra, thực thi pháp luật và giám sát) và các biện pháp tổ chức khác; hợp tác trong nước, các sản phẩm tài chính toàn diện và hợp tác quốc tế.

Từ kết quả phân tích, đánh giá các vấn đề, rủi ro và thách thức về rửa tiền, tài trợ khủng bố được nêu trong báo cáo, có thể thấy những rủi ro được xác định cần được giải quyết ở cấp quốc gia nhằm giảm thiểu tính dễ tổn thương của ngành và tăng cường năng lực quốc gia về chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.