Giảm tối thiểu 15-20% đầu mối tổ chức
Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Phó trưởng Ban chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18 (Ban chỉ đạo), vừa ký ban hành kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ.
Theo đó, các cơ quan, tổ chức kết thúc hoạt động Ban cán sự đảng, khẩn trương xây dựng phương án thành lập Đảng bộ Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trực thuộc Đảng bộ Chính phủ.
Đồng thời xây dựng quy chế làm việc, mối quan hệ công tác của Đảng ủy bộ sau sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, bảo đảm theo yêu cầu định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ.
Thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ và tổ chức bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (giảm tối thiểu 15 - 20% đầu mối tổ chức bên trong), không bao gồm các tổ chức thuộc diện hợp nhất, sáp nhập do trùng lặp chức năng, nhiệm vụ khi thực hiện phương án hợp nhất các Bộ.
Rà soát lại tất cả các hoạt động của các ban chỉ đạo theo hướng kết thúc hoạt động, chỉ giữ lại nhưng ban chỉ đạo có chức năng, nhiệm vụ cần thiết.
Sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với giảm biên chế cán bộ, công chức, viên chức và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Rà soát hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức bộ máy của Chính phủ để có giải pháp đề xuất xử lý trong quá trình sắp xếp; xây dựng dự thảo quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Đề xuất và giải quyết chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị.
Hướng dẫn xử lý tài chính, ngân sách, tài sản công và chuyển tiếp quản lý dự án đầu tư công trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Giảm 5 bộ và 4 cơ quan thuộc Chính phủ
Kết thúc hoạt động của Ban cán sự đảng Chính phủ, lập Đảng bộ Chính phủ trực thuộc Trung ương, gồm các tổ chức đảng trong các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và một số đảng bộ trong các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại Nhà nước (riêng Đảng bộ Quân đội và Đảng bộ Công an trực thuộc Trung ương giữ nguyên như hiện nay); có cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc đặt tại Cơ quan Chính phủ.
Đảng ủy Chính phủ gồm: Ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư đảng ủy; ban thường vụ đảng ủy gồm đồng chí Thủ tướng Chính phủ làm Bí thư, các Phó thủ tướng Chính phủ, một số thành viên Chính phủ và có thể bố trí một đồng chí Phó Bí thư chuyên trách; Bộ Chính trị chỉ định nhân sự ban chấp hành, ban thường vụ đảng ủy; quy định ban thường vụ đảng ủy thực hiện nay.
Kết thúc hoạt động của các ban cán sự đảng, lập Đảng bộ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trực thuộc Đảng bộ Chính phủ gồm ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư đảng ủy; ban thường vụ đảng ủy gồm Bộ trưởng làm Bí thư, các Thứ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và một Phó bí thư chuyên trách.
Theo định hướng của Ban chỉ đạo Trung ương, trên cơ sở thực hiện phương án nêu trên, tổ chức bộ máy của Chính phủ khóa XV và khóa XVI (nhiệm kỳ 2026-2031) được tinh gọn như sau:
Có 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ (giảm 5 bộ); Có 4 cơ quan thuộc Chính phủ (giảm 4 cơ quan thuộc Chính phủ).
Dự kiến tên gọi mới của các Bộ
Theo kế hoạch, hợp nhất Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính, tên dự kiến Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển.
Hợp nhất Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng, dự kiến là Bộ Phát triển, Hạ tầng hoặc Bộ Giao thông và Xây dựng đô thị, nông thôn.
Hợp nhất Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tên dự kiến là Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên, Môi trường, khắc phục được một số giao thoa trong thực hiện nhiệm vụ quản lý về nguồn nước, lưu vực sông và đa dạng sinh học.
Hợp nhất Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ, tên dự kiến là Bộ Khoa học, Công nghệ và Chuyển đổi số hoặc Bộ Khoa học, Công nghệ, Chuyển đổi số và Truyền thông.
Hợp nhất Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ thành Bộ Nội vụ và Lao động. Chuyển chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp sang Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chuyển chức năng quản lý Nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội sang Bộ Y tế.
Bộ Y tế chủ động phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương trong việc tiếp nhận một số nhiệm vụ của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương (khi kết thúc hoạt động ban này). Đồng thời, dự kiến tiếp nhận quản lý Nhà nước về: Bảo trợ xã hội; trẻ em; phòng, chống tệ nạn xã hội từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chuyển sang.
Bộ Ngoại giao chủ động phối hợp để tiếp nhận nhiệm vụ chính của Ban Đối ngoại Trung ương, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội (khi kết thúc hoạt động của hai ban này).
Bộ Nội vụ chủ động xây dựng phương án sắp xếp Học viện Hành chính Quốc gia theo hướng sáp nhập vào Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Đồng thời chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng đề án hợp nhất Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội với Bộ Nội vụ (sau khi chuyển một số chức năng sang Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Y tế); phối hợp với Ủy ban Dân tộc chuyển chức năng, nhiệm vụ của Ban Tôn giáo Chính phủ về Ủy ban Dân tộc.
Ủy ban Dân tộc chủ động phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng phương án tiếp nhận Ban Tôn giáo Chính phủ và phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ về giảm nghèo từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Định hướng kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, chuyển chức năng, nhiệm vụ về Bộ Tài chính, các bộ chuyên ngành...
Thực hiện phương án này dự kiến chuyển chức năng, nhiệm vụ thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu đối với 19 tập đoàn, tổng công ty đang giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp quản lý về Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển.
Với một số tập đoàn lớn (như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN, Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng công ty đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam...) thì nghiên cứu xác định là đầu mối tổ chức Đảng trực thuộc Đảng bộ Chính phủ.
Kết thúc hoạt động của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, chuyển nhiệm vụ về Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan.
Thực hiện phương án này, dự kiến chuyển nhiệm vụ của ủy ban về Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ngoài ra, cần thành lập tổ chức phối hợp liên ngành do lãnh đạo Chính phủ làm người đứng đầu để chỉ đạo hoạt động điều phối giám sát chung đối với thị trường tài chính.
Sắp xếp 2 Viện hàn lâm khoa học và 2 đại học quốc gia đảm bảo hiệu quả, phát huy được nhiệm vụ nghiên cứu, đào tạo.
Với hai viện hàn lâm khoa học, có hai phương án. Phương án 1: Hợp nhất Viện Hàn lâm khoa học xã hội với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ thành Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam.
Phương án 2: Duy trì hai viện hàn lâm nhưng thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và biên chế, bảo đảm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu của Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam.
Với hai Đại học Quốc gia (Hà Nội và TP.HCM), đề xuất chuyển Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM về Bộ Giáo dục và đào tạo để quản lý.
Sáp nhập 5 kênh truyền hình vào VTV
Giao Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng đề án chỉ tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ của Truyền hình Nhân dân, Truyền hình Quốc hội, Truyền hình Thông tấn, Truyền hình VOV, Truyền hình VTC.
Đồng thời, cơ cấu lại và giảm mạnh tổ chức bên trong hiện có của Đài Truyền hình Việt Nam, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ đài truyền hình quốc gia, có các kênh chuyên đề phù hợp.
Giao Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam kết thúc hoạt động của Truyền hình Thông tấn, Truyền hình VOV, Truyền hình VTC và cơ cấu lại, giảm mạnh tổ chức bên trong.
Tập trung xây dựng Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan thông tấn quốc gia, Đài Tiếng nói Việt Nam là đài phát thanh quốc gia, tập trung vào báo in, báo điện tử, báo nói (VOV) để thực hiện nhiệm vụ chính trị, được ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên cho các hoạt động.
Chuyển Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vào trong cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng.
Cơ cấu Bảo hiểm Xã hội Việt Nam vào Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển. Sáp nhập Bảo hiểm Xã hội Việt Nam vào Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển (tổ chức lại thành 1 đầu mối độc lập thuộc Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển).
Đối với các đơn vị có chức năng tham mưu tổng hợp chung, đề nghị mỗi bộ chỉ duy trì một đầu mối tổ chức tương ứng với các lĩnh vực tổ chức cán bộ, pháp chế, hợp tác quốc tế, văn phòng, kế hoạch tài chính và thanh tra.
Đối với đơn vị sự nghiệp thuộc cơ cấu tổ chức: chỉ duy trì tối đa 5 đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chức năng phục vụ quản lý Nhà nước thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, ngành (gồm viện; tạp chí; báo; trung tâm thông tin; trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức).
Với các viện, đề nghị sắp xếp, tổ chức lại theo hướng thu gọn đầu mối trên cơ sở thực hiện nguyên tắc một đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại theo yêu cầu của Nghị quyết 19 và phù hợp với quy hoạch mạng lưới các tổ chức khoa học công nghệ công lập.
Với báo và tạp chí, đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện phương án sắp xếp, bảo đảm mỗi bộ, cơ quan ngang bộ chỉ có một cơ quan báo (gồm: báo in, báo điện tử và cổng thông tin điện tử của bộ, ngành) và một tạp chí khoa học chuyên ngành (chỉ duy trì đối với các tạp chí có uy tín về khoa học trên thế giới và trong nước).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận