Sáng nay (5/1), Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai kết luận của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dự và chỉ đạo hội nghị.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến dự hội nghị (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
"Chúng ta gặp khó khăn rất lớn chưa có tiền lệ"
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: Chúng ta gặp khó khăn rất lớn chưa có tiền lệ, đó là đợt dịch bùng phát lần thứ 4 do biến chủng Delta ở nhiều địa phương, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, kinh tế - xã hội (KTXH), sản xuất kinh doanh trên phạm vi cả nước, nhất là sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Gần đây lại xuất hiện biến chủng Omicron đang bùng phát rất nhanh trên thế giới, đã lây lan vào Việt Nam.
Trong nước với những thuận lợi cơ bản, nhất là từ thành công rất tốt đẹp của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (Đại hội XIII), sau 35 năm đổi mới, chúng ta đúc rút được nhiều bài học hay, từng bước xây dựng hoàn thiện lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, là cơ sở quan trọng để chúng ta thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII.
Cuộc bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp được tổ chức rất thành công, đồng thời lần đầu tiên chúng ta triển khai một chuỗi các hội nghị để quán triệt, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII trên tất cả các lĩnh vực và đến tận cơ sở.
Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự chỉ đạo sát sao, chặt chẽ của Tổng Bí thư, lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo Đảng và Nhà nước; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay và giám sát hiệu quả của Quốc hội, HĐND các cấp; sự đồng tình, tham gia tích cực của người dân và doanh nghiệp; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo điều hành quyết liệt, triển khai Nghị quyết XIII của Đảng với 8 trọng tâm, 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 193 nhiệm vụ cụ thể để vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa phục hồi phát triển kinh tế, đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh và thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng.
Tiêm chủng vaccine, thuốc điều trị, ý thức người dân là các yếu tố quyết định
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã trình bày nội dung chính của dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH, dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022.
Theo đó, Chính phủ dự thảo chủ đề điều hành của năm 2022 là "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển", với 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành.
Thứ nhất, tiếp tục phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; nêu cao tinh thần tự lực, tự cường; tiếp tục xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, có khả năng chống chịu với tác động tiêu cực từ bên ngoài; nỗ lực phấn đấu với quyết tâm cao, biến thách thức thành cơ hội; khắc phục hạn chế, yếu kém của năm 2021...
Thứ hai, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; kiên định thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân cùng với tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Xác định tiêm chủng vaccine, thuốc điều trị Covid-19 và nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân là các yếu tố quyết định trong phòng, chống dịch.
Thứ ba, bám sát tình hình, tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển KTXH trên cả nước, trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương và duy trì động lực tăng trưởng trong dài hạn, tận dụng các động lực tăng trưởng mới, bền vững.
Thứ tư, tiếp tục ưu tiên hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực hợp lý và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật... Chú trọng nguồn lực con người, phát triển văn hóa, giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động.
Thứ năm, bảo đảm an sinh xã hội, an dân; Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường; Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí...
Thứ sáu, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; tiếp tục củng cố, tăng cường, giữ vững quốc phòng, an ninh. Chủ động hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Đẩy nhanh tiến một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông.
Đẩy nhanh tiến độ một số công trình hạ tầng giao thông quan trọng
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng cho hay dự thảo Nghị quyết xác định 12 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thực hiện trong năm 2022, với 180 nhiệm vụ cụ thể.
Đáng chú ý, Chính phủ xác định tập trung thực hiện hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển KTXH. Kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn và quyết liệt triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình tổng thể phòng, chống dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6-6,5%.
Triển khai nhất quán, nghiêm túc quy định về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 thần tốc hơn nữa chiến dịch tiêm vaccine, nhất là đẩy nhanh việc tiêm vaccine cho trẻ em, tiêm mũi tăng cường, bảo đảm khoa học, hiệu quả…
Cạnh đó, tập trung thể chế hóa những chủ trương, định hướng của Đảng; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật. Nâng cao chất lượng theo dõi thi hành pháp luật. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế hành chính nhà nước dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, công khai, minh bạch, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.
Kiên quyết, kiên trì và đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong sạch, vững mạnh, toàn diện. Hoàn thành thể chế hóa chủ trương của Đảng về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Chính phủ cũng xác định đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế một cách thực chất và hiệu quả hơn… Thực hiện hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021- 2025. Xử lý cơ cấu lại hai ngân hàng thương mại yếu kém trong năm 2022; xây dựng phương án xử lý các ngân hàng yếu kém còn lại và các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả…
Chính phủ cũng xác định nhiệm vụ phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, tăng cường kết nối vùng, liên vùng, khu vực, quốc tế, nhất là công trình hạ tầng giao thông quan trọng như Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông; dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành…
Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế hành chính nhà nước dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, công khai, minh bạch, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tinh giản biên chế gắn với sắp xếp bộ máy, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Xây dựng và thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài.
Triển khai đầy đủ các nội dung kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính có liên quan đến Chính phủ. Thực hiện đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí….
Chính phủ cũng đặt trọng tâm vào nhiệm vụ củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của thế lực thù địch, phản động, không để bị động, bất ngờ. Không để hình thành tổ chức chính trị đối lập trong nội địa; giải quyết kịp thời hiệu quả các vấn đề nảy sinh về an ninh, trật tự ngay từ đầu và tại cơ sở….
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận