Tăng trưởng quý I/2024 cao nhất trong giai đoạn 2020-2023
Sáng 20/5, báo cáo trước Quốc hội về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và ngân sách nhà nước năm 2023 và đầu năm 2024, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, tính đến hết năm 2023, Chính phủ đã dành được khoảng 680 nghìn tỷ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới.
Còn từ đầu năm 2024 đến nay, tuy tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều khó khăn, thách thức hơn nhưng trong nước các hoạt động KTXH diễn ra sôi động hơn. Tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,66%, cao nhất trong giai đoạn 2020-2023 - đây là nỗ lực lớn trong bối cảnh nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn.
Trong đó, ông nêu rõ hoạt động dịch vụ vận tải được cải thiện, nhất là vận tải đường sắt có nhiều đổi mới. Du lịch tiếp tục phục hồi nhanh với gần 6,2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Về tình hình phát triển kết cấu hạ tầng KTXH, Chính phủ đã làm việc với các địa phương để tháo gỡ khó khăn, trực tiếp kiểm tra, đôn đốc các công trình, dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia theo tinh thần "ba ca, bốn kíp", "vượt nắng, thắng mưa", "làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết", "chỉ bàn làm, không bàn lùi", quyết tâm hoàn thành sớm nhất với chất lượng cao nhất.
Các công trình hạ tầng giao thông, năng lượng quan trọng, trọng điểm quốc gia, được đẩy mạnh, cụ thể như khởi công dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng, mở rộng Nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; đưa vào khai thác đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt (30km), Cam Lâm - Vĩnh Hảo (79 km), nâng tổng số km đường bộ cao tốc đưa vào khai thác lên hơn 2.000 km.
Về công tác quy hoạch, có 110/111 quy hoạch đã hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt.
Hầu hết quy hoạch ngành, lĩnh vực, tỉnh được phê duyệt, công bố và tổ chức thực hiện, đặc biệt là đã phê duyệt toàn bộ 6 quy hoạch vùng KTXH và trình Quốc hội phê duyệt Quy hoạch không gian biển quốc gia.
Phấn đấu đến năm 2025 đưa vào khai thác khoảng 3.000 km cao tốc
Phó thủ tướng cũng thừa nhận, sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn cao, nhất là trong kiểm soát lạm phát, điều hành lãi suất, tỷ giá; tăng trưởng tín dụng còn thấp; giá vàng thế giới và trong nước biến động mạnh.
Theo Phó thủ tướng, tăng trưởng kinh tế mặc dù đạt kết quả khá nhưng còn đối mặt với nhiều thách thức. Thị trường bất động sản phục hồi chậm, tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng chưa đạt yêu cầu.
Về giải pháp, nhiệm vụ thời gian tới, Phó thủ tướng cho biết Chính phủ tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Bên cạnh đó, quyết liệt triển khai ngay các giải pháp ổn định thị trường vàng theo quy định, trong đó chú trọng thanh tra, kiểm tra, áp dụng hóa đơn điện tử.
Đồng thời, Chính phủ sẽ quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công kích hoạt và dẫn dắt đầu tư tư, tăng cường hợp tác công tư.
Trong đó, khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn của các bộ, cơ quan, địa phương chưa phân bổ hoặc chậm giải ngân sang các bộ, cơ quan, địa phương khác giải ngân nhanh và có nhu cầu bổ sung vốn, phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao.
Đặt mục tiêu phấn đấu năm 2024 thu hút được 18 triệu lượt khách quốc tế, Chính phủ sẽ nỗ lực tiết giảm chi phí vận tải, phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững; tăng cường công tác quản lý giá dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống; đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, sớm ban hành và triển khai hiệu quả Quy hoạch hệ thống du lịch đến năm 2030.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia, liên vùng, nhất là thi công 1.000 km đường bộ cao tốc để phấn đấu đến năm 2025 đưa vào khai thác khoảng 3.000 km, mở ra không gian, động lực phát triển mới, làm tăng giá trị gia tăng quỹ đất, giảm chi phí logistics.
Đưa vào vận hành khai thác đường sắt đô thị trên cao Nhổn - ga Hà Nội, đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên và dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối.
Xây dựng hạ tầng là điểm sáng
Trong báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, một trong những thành tựu nổi bật nhất của năm 2023 là công tác giải ngân vốn đầu tư công và đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng. Điểm sáng này đã giúp tạo tiền đề cho quá trình phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Về quý I/2024, Uỷ ban của quốc hội đánh giá tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2024 dù cải thiện nhưng chưa quay lại quỹ đạo cần thiết, chưa đủ để tạo ra những bước đột phá cho phát triển bền vững.
Đặc biệt, báo cáo đề cập tới tình trạng giá đất tăng cao đột biến thời gian qua.
Ông Thanh nêu rõ, giá nhà chung cư, kể cả nhà ở xã hội tại một số địa bàn tăng cao đột biến do nguồn cung khan hiếm, cơ cấu sản phẩm trên thị trường mất cân đối.
"Giá đất nền có dấu hiệu tăng trở lại ở các thành phố lớn, thậm chí tăng giá cao cục bộ do đầu cơ gây ảnh hưởng đến nhu cầu về nhà ở của người dân, người lao động", ông Thanh nói.
Uỷ ban này đánh giá tình trạng đầu cơ đất sẽ dẫn đến người có nhu cầu thực (để ở, để sản xuất, kinh doanh) không thể tiếp cận đất đai trong khi đất đai bị bỏ hoang (do bị đầu cơ), nguồn lực xã hội thay vì dành cho đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm lại bị "chôn" vào đất, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
Người có nhu cầu mua nhà ở, đất ở thực sự đang phải trả một khoản tiền lớn cho giới đầu cơ, người nghèo đang phải chi trả nhiều hơn cho nhu cầu về nhà ở, khiến tình trạng gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng lớn.
Do đó, Uỷ ban đề nghị Chính phủ đánh giá và có giải pháp ổn định tình hình, đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua, xác định vướng mắc, bất cập, vi phạm, tiêu cực để xử lý nghiêm.
Mặt khác, Uỷ ban cũng chỉ ra một số tồn tại trong cải cách thủ tục hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
"Tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm chưa được xử lý dứt điểm, kỷ luật, kỷ cương có lúc, có nơi còn chưa nghiêm; tình trạng cán bộ, công chức, viên chức thôi việc vẫn diễn ra", Uỷ ban Kinh tế đánh giá.
Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, Ủy ban Kinh tế lưu ý việc đảm bảo cung ứng các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là điện, xăng, dầu, không để tái diễn tình trạng thiếu điện; dành nguồn lực cho các dự án trọng điểm quốc gia, cải cách tiền lương, an sinh xã hội…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận