Xã hội

Chính phủ đề xuất dành 22,4 nghìn tỷ để phòng, chống ma tuý đến năm 2030

Sáng 8/11, Quốc hội nghe tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.

Thay mặt Chính phủ, trình bày tờ trình, Phó thủ tướng Lê Thành Long cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 nhằm đấu tranh ngăn chặn tội phạm về ma túy từ sớm, từ xa, từ nơi sản xuất, trên các tuyến trọng điểm và địa bàn biên giới, trên biển và hàng không.

Chính phủ đề xuất dành 22,4 nghìn tỷ để phòng, chống ma tuý đến năm 2030- Ảnh 1.

Phó thủ tướng Lê Thành Long trình bày tờ trình.

Bên cạnh đó, mục tiêu hướng đến đấu tranh hiệu quả tội phạm về ma túy có tổ chức, xuyên quốc gia, sử dụng công nghệ cao và lợi dụng không gian mạng; triệt xóa các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy; quản lý chặt chẽ người nghiện ma tuý, người sử dụng trái phép chất ma túy, người cai nghiện ma tuý...

Để thực hiện, Chính phủ đề xuất tổng vốn thực hiện chương trình là hơn 22,4 nghìn tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách Trung ương là hơn 17,7 nghìn tỷ đồng (chiếm 78,96%); vốn ngân sách địa phương là hơn 4,6 nghìn tỷ đồng (chiếm 20,82%); vốn huy động hợp pháp khác, dự kiến 50 tỷ đồng (chiếm 0,22%).

Trong số các chỉ tiêu cần đạt được đến năm 2030, đáng chú ý là chỉ số về giảm nguồn cung ma tuý.

Theo đó, hằng năm, số vụ phạm tội về ma túy được phát hiện, bắt giữ tại khu vực biên giới, tuyến đường biển, đường hàng không, chuyển phát nhanh tăng trên 3%; Số vụ phạm tội về ma túy có tổ chức xuyên quốc gia được phát hiện, bắt giữ tăng trên 3%; Số vụ phạm tội lợi dụng không gian mạng được phát hiện, triệt phá tăng trên 5%; Các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, điểm nguy cơ, đối tượng bán lẻ về ma túy phấn đấu được phát hiện, triệt phá 100%.

Chính phủ đề xuất dành 22,4 nghìn tỷ để phòng, chống ma tuý đến năm 2030- Ảnh 2.

Hội trường kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Từ góc độ thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết Ủy ban thấy rằng, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình trong năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030 ít hơn nhiều so với các chương trình mục tiêu quốc gia khác.

Song trong bối cảnh chi đầu tư phát triển, chi an sinh xã hội trong giai đoạn 2026 - 2030 sẽ rất lớn thì việc dự kiến bố trí nguồn vốn như vậy là phù hợp.

Để bảo đảm nguồn vốn kịp thời, hiệu quả, Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan chủ trì xây dựng chương trình làm rõ các quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương, tỷ lệ đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình.

Chính phủ đề xuất dành 22,4 nghìn tỷ để phòng, chống ma tuý đến năm 2030- Ảnh 3.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày thẩm tra.

Phương án bố trí vốn, tập trung đầu tư vốn, tránh dàn trải, lãng phí, có kế hoạch phân kỳ đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp theo thứ tự ưu tiên cho những địa bàn khó khăn, trọng điểm.

Việc bố trí nguồn lực dự kiến 65,1 tỷ đồng cho năm 2025 phù hợp với dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 cần được bảo đảm tính khả thi về thời gian, nhiệm vụ thực hiện Chương trình….

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.