Chỉ khuyến khích, không ép hộ kinh doanh thành doanh nghiệp
Trước khi thảo luận tại tổ, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Luật này sửa đổi tại 66 điều; bãi bỏ 02 điều; bổ sung 08 điều và 1 chương (chương VIIa, gồm 5 điều, về Hộ kinh doanh).
Đáng chú ý của dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần này, là luật thừa nhận sự tồn tại của “hộ kinh doanh” là một hình thức kinh doanh, bên cạnh các loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần. Luật cho phép nhà đầu tư lựa chọn, không ép buộc hành chính hộ kinh doanh phải chuyển thành doanh nghiệp hoặc xóa bỏ hình thức hộ kinh doanh.
Quy định rõ ràng địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự của hộ kinh doanh phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự (hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên gia đình đăng ký); bãi bỏ hạn chế của quy định hiện hành đối với hộ kinh doanh (như: chỉ được sử dụng dưới 10 lao động); bổ sung quy định về chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp nhằm khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành công ty.
Giải trình thêm tại tổ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết hiện hộ kinh doanh đã được quy định trong Nghị định 78, song các nhà đầu tư không yên tâm về sự bảo hộ, bảo vệ pháp luật với loại hình kinh doanh này. Trong khi, đây là hình thức kinh doanh cần được định vị pháp lý và bảo vệ, có quy định rõ về trách nhiệm dân sự, quyền của hộ kinh doanh, quản trị nội bộ.
"Việc trao thêm quyền là phải dựa trên quy định của luật, chứ không phải ở văn bản dưới luật, nên việc đưa hộ kinh doanh vào dự án luật này là cần thiết", ông Dũng nhấn mạnh.
Tham gia thảo luận tại tổ, Ủy viên thường trực Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Đỗ Văn Sinh (đoàn Quảng Trị) cho rằng hộ kinh doanh là thành phần kinh tế quan trọng với 5 triệu hộ. Tuy nhiên, chỉ có 1,4 triệu nộp thuế còn lại là đóng thuế khoán, dẫn tới sự thiếu minh bạch hoặc thậm chí là hộ kinh doanh phải bỏ tiền thuế khoán nhiều hơn mà Nhà nước vẫn không thu được.
Đại biểu Sinh cho rằng cần có đạo luật riêng về hộ kinh doanh, tránh tình trạng "chi phí không chính thức nhiều nhưng địa vị pháp lý lại không cao”.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) cũng đề xuất đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của pháp luật để bảo vệ và thúc đẩy họ phát triển. Bởi thực tế có những hộ kinh doanh đã vươn ra nước ngoài làm ăn nhưng không được thừa nhận và các vấn đề kiện tụng thì khó được bảo vệ.
"Tinh thần đưa vào để đảm bảo bình đẳng họ trước các doanh nghiệp khác", ông Lộc nói.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) đồng tình đưa hộ kinh doanh vào luật này vì đó là công nhận tính hợp pháp của họ. “Họ kinh doanh đoàng hoàng thì mình phải công nhận. Và sự công nhận này cũng là để minh bạch về thu thuế”, đại biểu Nhưỡng phân tích và đề nghị luật chỉ quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc, còn vấn đề cụ thể về hộ kinh doanh thì nên được điều chỉnh như một Nghị định đầy đủ.
Nên xây dựng luật riêng?
Thẩm tra dự luật, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với hộ kinh doanh là cần thiết. Trong thực tiễn, hộ kinh doanh là một hình thức kinh doanh cùng tồn tại với các loại hình công ty và doanh nghiệp khác, cần có sự quản lý của Nhà nước, cần có địa vị pháp lý để được tiếp cận chính sách của Nhà nước để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh bảo đảm sự bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh, tuân thủ pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật là một vấn đề lớn, phạm vi rất rộng, cần đánh giá kỹ tác động, lấy ý kiến rộng rãi của đối tượng chịu tác động (hộ kinh doanh), đề nghị cân nhắc nghiên cứu xây dựng một Nghị định riêng về hộ kinh doanh bảo đảm khuyến khích, quản lý hộ kinh doanh để họ phát triển sản xuất kinh doanh theo năng lực và tuân thủ pháp luật, khi đủ điều kiện sẽ xây dựng một luật riêng về hộ kinh doanh.
Thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội), cho rằng không nên đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp vì không thuộc phạm vi điều chỉnh. Theo đó, cần có một nghị định về hộ kinh doanh và sau đó tính tới việc ban hành Luật về hộ kinh doanh gia đình. Còn trường hợp đưa vào thì phải đổi luật là "Luật Doanh nghiệp và hộ kinh doanh".
"Ở các nước thì cái gì cũng qua hoá đơn, thuế họ thu ở đó. Còn ở ta khoán thuế cho hộ gia đình, nên có những hộ gia đình doanh thu lớn hơn cả doanh nghiệp nhưng vẫn không đăng ký thành lập doanh nghiệp. Giải pháp là chúng ta cần quản lý thuế thật tốt, khi đó hộ gia đình muốn phát triển họ sẽ tự đăng ký thành lập doanh nghiệp", ông Bình bày tỏ.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đề nghị phải làm rõ tác động của việc đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp đối với bản thân các hộ kinh doanh và công tác quản lý Nhà nước. "Chỉ khi việc kinh doanh hộ gia đình phát sinh những vấn đề cần pháp luật điều chỉnh mà bản thân họ không giải quyết được thì mới đưa vào Luật. Ví dụ hộ gia đình có sử dụng lao động, có quan hệ lao động, khi đó liên quan đến các vấn đề như hợp đồng lao động, nộp bảo hiểm xã hội, và nếu xảy ra tranh chấp cần giải quyết thì phải có Nhà nước", ông Cường đề nghị.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận