Vì sao chỉ giảm thuế VAT trong 6 tháng?
Chiều nay, giải trình một số nội dung liên quan trong lĩnh vực tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, theo tờ trình, Chính phủ đề xuất giảm 2% thuế VAT từ 1/7/2023 đến hết năm.
Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng thời gian giảm là ngắn và đề nghị kéo dài thời gian giảm đến hết năm 2024 hoặc 2025.
Về vấn đề này theo ông Phớc, thứ nhất phương án của Chính phủ được Ủy ban Tài chính, Ngân sách thẩm định và đã được Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Thứ hai là Nghị quyết 43 chỉ có hiệu lực cho đến hết năm nay.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc
Ngoài ra, việc giảm thuế phải phù hợp với việc cái cân đối ngân sách. Bên cạnh đó, giảm thuế VAT là kích cầu tiêu dùng để giải quyết cái khó khăn một cách tức thời, tức là trong giai đoạn hiện nay.
Về số tiền hơn 1 triệu tỷ đồng tồn dư gửi tại Ngân hàng, theo ông Phớc, số tiền này đã được bố trí nhiệm vụ chi và đã có trong dự toán ngân sách được Hội đồng nhân dân tỉnh và Quốc hội phê chuẩn.
"Vì vậy, không lấy nguồn này để chi cho các nhiệm vụ chi khác. Bởi vì Hiến pháp quy định là các khoản chi đều phải nằm trong dự toán. Chúng ta mong muốn cơ cấu chi thì phải trình với Quốc hội", ông Phớc nhấn mạnh.
"Vì những lý do đó nên phương án đề xuất là giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng", ông Phớc nói.
Về một số ý kiến đề xuất cân nhắc mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế giá trị gia tăng, áp dụng mức thuế suất 8% VAT (giảm 2%) đối với mặt hàng ô tô trong nước, bao gồm cả dòng xe dưới 24 chỗ ngồi, theo ông Phớc, ô tô đang chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết 43.
"Do đó chúng ta không đưa ô tô vào danh mục được giảm 2% thuế VAT", Bộ trưởng Tài chính nói và cho rằng, điều quan trọng hiện tại là phải làm mọi cách để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tăng cường năng lực, cũng như tăng cường năng lực của nền kinh tế. Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh được tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn có thể tốt hơn việc được giảm thuế.
Về đề xuất giảm 50% thuế trước bạ ô tô, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết đã trình Chính phủ và Chính phủ đã đồng thuận với kiến nghị này.
Đề nghị giảm 2% thuế VAT với ô tô trong nước
Trước đó, phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đề xuất, cân nhắc mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế giá trị gia tăng, áp dụng mức thuế suất 8% VAT (giảm 2%) đối với mặt hàng ô tô, bao gồm cả dòng xe dưới 24 chỗ ngồi.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương)
Bà Nga cho biết, theo phản ánh, các doanh nghiệp trong lĩnh vực ô tô đang đối diện với tình trạng tồn kho lớn, phát sinh nhiều chi phí, doanh thu sụt giảm gây khó khăn cho dòng tiền.
Nữ đại biểu cho rằng, việc áp dụng mức thuế VAT 8% dù khiến ngân sách hụt thu so với quy định hiện hành, nhưng ô tô là loại hàng hoá chịu thuế cao, cùng với nhiều loại phí (thuế VAT, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, phí trước bạ, phí cấp biển…).
Vì vậy, nếu được kích cầu, số tiền thu được từ các loại thuế, phí khác chịu trên một chiếc xe ô tô sẽ vượt được số thuế 2% được giảm. Điều này góp phần tăng thu ngân sách cũng như phát triển ngành công nghiệp ô tô. Đặc biệt, sẽ kích cầu thị trường để giải quyết khó khăn hiện nay mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt.
"Theo tính toán với một xe ô tô tầm trung bán ra nếu giảm 2% thuế VAT thì nhà nước sẽ giảm thu thuế 10 - 15 triệu đồng. Song doanh nghiệp lại đóng góp cho ngân sách nhà nước 200 - 300 triệu đồng từ các khoản thuế, phí", bà Nga phân tích.
Theo nữ đại biểu đoàn Hải Dương, qua các giai đoạn áp dụng chính sách giảm thuế phí trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh ô tô đã cho thấy những tác động tích cực và mạnh mẽ.
Bà Nga dẫn số liệu báo cáo của VAMA, trong giai đoạn hỗ trợ giảm phí trước bạ từ tháng 7/2020 - 12/2020, số lượng xe bán ra đã tăng 77% so với 6 tháng đầu năm 2020. Khi áp dụng giảm phí trước bạ từ tháng 12/2021 - 5/2022, lượng xe bán ra đều tăng trung bình 10 - 20% so với những tháng trước khi có hỗ trợ, cũng như sau khi kết thúc hỗ trợ.
"Con số này cho thấy các chính sách ưu đãi thuế phí có hiệu quả tích cực với ngành sản xuất ô tô", nữ đại biểu đoàn Hải Dương nhìn nhận.
Đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam)
Đề xuất giảm 50% phí trước bạ đến hết năm 2024
Phát biểu thảo luận, đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) cho biết, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 5/2023 chỉ có khoảng 27.000 ô tô sản xuất trong nước được xuất xưởng, giảm đến 32,6% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 5 tháng đầu năm có 133.600 chiếc xuất xưởng, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng lưu ý, thị trường tiêu thụ ô tô trong nước sụt giảm mạnh mặc cho các hãng ô tô đang điều chỉnh đồng loạt giảm giá mạnh, có nơi giảm đến 12% giá bán lẻ so với giá niêm yết, nhưng tình hình tiêu thụ rất hạn chế.
Điều đó có thể thấy, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ đổ vỡ.
Từ thực tế trên, trên tinh thần của Nghị quyết số 58 ngày 21/4/2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm để hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững, đại biểu Bình đề xuất cần phải gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trong năm 2023.
Ngoài ra, đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong năm 2023 và năm 2024.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận