Theo nội dung thông báo của Chính phủ Kazakhstan, các biện pháp “khẩn cấp” sẽ được áp dụng để ổn định tình hình kinh tế xã hội tại quốc gia này. Theo đó, mức trần giá khí hóa lỏng (LPG) sẽ được áp dụng trong 180 ngày, và mỗi địa phương có mức trần khác nhau.
Mức giá trần thấp nhất là 50 tenge (0,11 USD) mỗi lít LPG tại khu vực Mangystau, nơi bắt đầu các cuộc biểu tình. Tại thành phố Almaty, mức giá trần là 65 tenge (0,15 USD). Mức giá trần tại thủ đô Nur-Sultan và các khu vực khác là 70 tenge (0,16 USD).
Biểu tình do giá năng lượng tăng cao tại thành phố Almaty ngày 5/1. Ảnh - AFP
Ngày 1/1, Chính phủ Kazakhstan thông báo bỏ mức giá trần với LPG nhằm thực hiện tự do hóa thị trường. Quốc gia này đã giảm trợ cấp với mặt hàng LPG và chuyển dần thả nổi theo giá thị trường trong vài năm nay bởi kiến nghị từ các công ty xăng dầu rằng họ phải bán lỗ LPG.
Tuy nhiên, sau khi quyết định bỏ mức giá trần với LPG được áp dụng, giá mặt hàng này tại một số khu vực tăng gần gấp đôi, đến mức 120 tenge (0,30 USD) cho mỗi lít LPG. Điều này làm dấy lên các cuộc biểu tình tại Kazakhstan, khi người dân xuống đường yêu cầu đưa mức giá LPG xuống còn 50-60 tenge (0,11-0,13 USD) mỗi lít.
Tại nhiều khu vực ở Kazakhstan, đa số phương tiện sử dụng nhiên liệu LPG và đây cũng được coi như loại nhiên liệu của người nghèo bởi có mức giá khá thấp.
Các cuộc biểu tình tại Kazakhstan nhanh chóng chuyển thành bạo loạn, khi người biểu tình đụng độ với cảnh sát, đập phá các tòa nhà công quyền.
Tình hình căng thẳng khiến Tổng thống Tokayev phải ban bố tình trạng khẩn cấp và kêu gọi hỗ trợ ổn định tình hình từ Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) mà quốc gia này là thành viên.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận