Bà Đỗ Thị Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP nước ngọt Sông Đuống |
Chính phủ đã phát đi thông điệp tích cực về việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) kinh doanh, làm ăn. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Chính phủ quyết nâng bậc thì DN phải nâng tầm.
Đây cũng là chia sẻ của các doanh nhân nhân ngày 13/10.
Bà Đỗ Thị Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP nước ngọt Sông Đuống: Sẽ trả giá đắt nếu thiếu hiểu biết
Khó khăn lớn nhất của DN hiện nay là phải nâng cao trình độ, tri thức, nhất là hiểu biết pháp luật. Càng tham gia hội nhập, DN càng phải hiểu sâu, hiểu rộng và hiểu chắc luật pháp để kinh doanh. Không nắm chắc pháp luật nước mình và pháp luật thị trường đối tác, làm theo ngẫu hứng thì rất có thể sẽ phạm sai lầm lớn và phải trả giá rất đắt.
Tôi cho rằng, với các DN, ngoài làm kinh tế còn phải có trách nhiệm với cộng đồng, với đất nước. Mỗi DN làm tốt thì đất nước mới phát triển và có nền tảng vững chắc để hội nhập với thế giới.
Với doanh nhân nữ sẽ có những khó khăn hơn so với nam giới, trong thời điểm hội nhập sâu rộng hiện nay vẫn phải gắn với thiên chức làm vợ, làm mẹ. Tuy nhiên, với tính cần cù, thông minh của chị em phụ nữ Việt Nam tôi nghĩ không có gì là không vượt qua được.
|
Ts. Chang Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam: Doanh nghiệp Việt Nam nằm ở điểm cuối chuỗi sản xuất
Doanh nhân là nhà cải cách, giới thiệu cách thức sản xuất mới và tổ chức quản trị mới, tạo năng suất, điều kiện cho kinh tế phát triển bền vững. Vai trò của doanh nhân và các DN sẽ rõ ràng hơn khi Việt Nam tham gia hội nhập sâu hơn vào các hiệp định thương mại, nhất là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Quá trình hội nhập toàn cầu sâu rộng hơn cũng là yếu tố để Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đầu tư tăng lên, tiếp cận thị trường nước ngoài dễ hơn và tạo thêm nhiều việc làm hơn.
Tuy nhiên, DN Việt Nam đang nằm ở điểm cuối trong chuỗi giá trị sản xuất, công nghệ lạc hậu. Trong một số ngành như điện tử, đã có các quốc gia thống trị thị trường. Nếu Việt Nam không cải thiện năng suất lao động thì khó có thể cạnh tranh được. Chính vì thế, các DN và Chính phủ cần nỗ lực cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm để tăng tính cạnh tranh trong khu vực. Tôi cho rằng, các DN Việt Nam có thể nhân rộng các hình mẫu, chuyển mình đổi mới để thúc đẩy nền kinh tế lên một tầm cao giá trị hơn.
|
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Doanh nhân phải theo chuẩn mực mới toàn cầu
Trước sự chuyển mình của kinh tế, các doanh nhân Việt Nam cũng đang bàn về kỷ nguyên số, về sự đảo chiều của dòng thương mại, họ cũng nói nhiều đến internet vạn vật hay nhiều DN chuyển hướng vào nông nghiệp, du lịch… Đó là cách thích ứng của một nền kinh tế sáng tạo, doanh nhân sáng tạo với xu hướng mới. Nhưng trên hết, họ cần một hệ sinh thái phù hợp để dịch chuyển kịp theo sự đổi chiều của thương mại, đầu tư. Thời điểm này, nhiều DN vẫn lo chết vì cơ chế chứ không phải lo chết vì cạnh tranh. Họ vẫn nói rằng, kinh doanh ở Việt Nam khó như... đi xe máy vào giờ tan tầm. Trong môi trường này, doanh nhân rất khó toàn tâm, toàn ý sáng tạo kinh doanh.
Chính phủ đã xác định tới năm 2020 sẽ đứng vào Top 3 của ASEAN về môi trường kinh doanh. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và những người đứng đầu các Bộ, ngành đã cam kết sẽ hành động vì sự thuận lợi trong môi trường kinh doanh cho DN. Doanh nhân Việt Nam cũng đang phải nâng mình theo những chuẩn mực mới của toàn cầu.
|
Ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP Lâm sản và Khoáng sản Tuyên Quang, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Tuyên Quang: Doanh nghiệp nhỏ phải chủ động liên kết
Đầu năm nay, Chính phủ đã quyết liệt cải cách hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều Nghị quyết cải thiện môi trường kinh doanh cho DN. Mới nhất, tháng 6 vừa rồi, Thủ tướng đã ban hành Nghị quyết 35 hỗ trợ phát triển DN. Môi trường hiện nay đã được các cấp, các ngành nỗ lực quyết liệt cải cách để Việt Nam vào Top ASEAN-4. Đây là thuận lợi bởi nếu không cải thiện môi trường kinh doanh, thời gian, thủ tục hành chính thì sẽ rất khó khăn cho DN. Trên 10 năm nay, năm nào VCCI cũng phát phiếu khảo sát DN về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và có chấm điểm. Như vậy, giữa các tỉnh có sự so sánh, cạnh tranh. Không tỉnh nào muốn ở top thấp nên đã nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh mình nên mới có điều kiện phát triển kinh tế.
Với các DN, nhất là các DN nhỏ và vừa, liên kết lại với nhau là mong muốn và yêu cầu khi tham gia các sân chơi. Hiện, cũng đang có xu hướng liên doanh, liên kết tạo sức mạnh, tạo số lượng hàng hóa lớn, điều tiết thị trường. Chúng tôi đang đặt mục tiêu là các DN ký cam kết sử dụng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của nhau, có chính sách ưu đãi bán hàng giảm giá cho các hội viên tối thiểu 1%. Như thế nhằm tạo thuận lợi sử dụng sản phẩm ngay trên sân nhà, ngăn cản sự xâm nhập của hàng ngoại.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, các hiệp định thương mại thế hệ mới, Chính phủ cũng chỉ tạo được môi trường kinh doanh lành mạnh chứ không thể áp dụng điều hành Nhà nước vào được. Các tổ chức, hiệp hội, ngành nghề và bản thân DN phải chủ động.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận