Đơn giản hóa thủ tục hành chính là một trong những mục tiêu được Chính phủ thực hiện quyết liệt. Ảnh minh họa |
Theo đó, về lĩnh vực nội vụ, Chính phủ đã cơ bản hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh, ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Tổng cục và cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.
Từ năm 2011 đến nay, Chính phủ đã 3 lần điều chỉnh tăng mức lương cơ sở và 2 lần tăng phụ cấp công vụ với mức điều chỉnh cao hơn tốc độ tăng giá. Tại kỳ họp này, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua việc điều chỉnh tăng 8% đối với lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống) từ ngày 1/1/2015. |
Thực hiện các Kết luận Trung ương và Nghị quyết của QH về đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị, cải cách tiền lương, đã phê duyệt tổng biên chế trong các cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài năm 2014 trên nguyên tắc giữ ổn định biên chế công chức đến năm 2016. Xây dựng, trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đề án tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Liên quan đến quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức; cải cách chế độ công vụ, công chức và xử lý tiêu cực, báo cáo do Phó Thủ tướng trình bày nêu rõ, Chính phủ đã ban hành 18 Nghị định, 13 Thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Việc cải cách chế độ công vụ, công chức được tích cực triển khai. Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo ở các Bộ, ngành, địa phương; phấn đấu đến năm 2015 phê duyệt đề án vị trí việc làm của 70% các cơ quan, đơn vị. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và tiếp tục thực hiện việc thi tuyển, thi nâng ngạch công chức theo nguyên tắc cạnh tranh. Thí điểm thi tuyển công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý.
"Chính phủ tinh giản biên chế, bảo đảm tuyển dụng mới không quá 50% số công chức đã ra khỏi biên chế; 50% số biên chế còn lại bổ sung cho lĩnh vực cần tăng. Sớm ban hành Nghị định về chính sách tinh giản biên chế", Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.
Để đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực trong quản lý công chức, viên chức và thi đua khen thưởng, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện quy định về tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý; đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ, công chức và người quản lý trong doanh nghiệp nhà nước; đề cao trách nhiệm người đứng đầu.
Còn về cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, Chính phủ đã ban hành các quy định, cơ chế chính sách tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, đất đai, xây dựng, thành lập, giải thể, phá sản doanh nghiệp, thủ tục đầu tư, tiếp cận điện năng...
"Đã đơn giản hóa gần 4.100/4.700 thủ tục hành chính; cập nhập trên 112 nghìn hồ sơ thủ tục hành chính và gần 11 nghìn hồ sơ văn bản liên quan vào Cơ sở dữ liệu quốc gia. Triển khai thực hiện Đề án liên thông các thủ tục hành chính đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi", Phó Thủ tướng báo cáo.
Liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo đã có 48 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, trong đó 03 người bị xử lý hình sự, 05 người bị cách chức và 40 người bị xử lý kỷ luật bằng các hình thức cảnh cáo, khiển trách. Đã chuyển đổi vị trí công tác đối với trên 27,4 nghìn cán bộ, công chức, viên chức.
Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công. Chỉ đạo xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương đến năm 2020. Tuy nhiên, do khó khăn trong việc bố trí nguồn để thực hiện nên Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện và trình Đề án vào thời điểm thích hợp. (Trích Báo cáo về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của QH về chất vấn và trả lời chất vấn) |
Bình Minh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận