Nhiều người dân Thái Lan bất mãn vì chính quyền thành phố bất ngờ đóng cửa dịch vụ BRT. |
Tháng 4 tới, thủ đô Bangkok (Thái Lan) chấm dứt hoạt động xe buýt nhanh BRT vì thua lỗ, vắng khách. Kế hoạch này đối mặt chỉ trích mạnh mẽ từ các chuyên gia và người dân Bangkok.
Quyết định đáng xấu hổ
Để cắt giảm các phương tiện công cộng, giải quyết tắc đường và ô nhiễm khí thải, từ tháng 5/2010, chính quyền thủ đô Bangkok quyết định đưa vào hoạt động dịch vụ xe buýt nhanh BRT, vận tải khoảng 25.000 khách/ngày. Tính đến ngày 30/4 tới, Cơ quan Đô thị Bangkok (BMA) tiêu tốn 2 tỉ baht vào đầu tư dự án và 535 triệu USD chi phí điều hành trong 7 năm cho cơ quan Hệ thống Vận tải Công cộng Bangkok (BTS).
Phó Thị trưởng Bangkok Amnoy Nimmano cho biết, thành phố này sẽ đóng cửa hoạt động xe buýt nhanh (BRT) cuối tháng 4 tới sau 7 năm hoạt động vì thua lỗ và vắng khách. Ủy ban Giám sát cơ quan vận tải công cộng Bangkok nhận thấy, dịch vụ vận tải này thua lỗ nặng nề, khoảng 200 triệu baht/năm trong 6 năm hoạt động. Một phần vì các đối tượng sử dụng đều là học sinh, sinh viên, người có tuổi vốn đã được hưởng chính sách ưu đãi miễn phí. Một lý do khác là hệ thống này không đạt được mục đích ban đầu mà chính quyền thành phố đề ra. Đó là phục vụ hành khách sử dụng tàu điện trên cao BTS Skytrain kết nối những hệ thống vận tải nhanh quan trọng trong thành phố với những tuyến đường nhỏ hơn.
Sau khi thông tin đóng cửa BRT được báo chí công bố rộng rãi, không ít người dân, đặc biệt những người thường xuyên sử dụng dịch vụ này chỉ trích và bất mãn. Một ngày sau thông tin dịch vụ BRT đóng cửa, tại điểm dừng ở Thanon Chan vẫn đông nghẹt khách. Ông Kamhaeng Lhorketsuwan cùng vợ, đều đã nghỉ hưu và thường xuyên sử dụng dịch vụ này cho biết: “Lúc này là 10 giờ sáng, bạn nhìn đi, xe buýt đông như thế nào! Vậy mà thành phố nói “không có người sử dụng. Sao họ không trực tiếp tới đây chứng kiến thực tế”. Vợ chồng ông Kamhaeng Lhorketsuwan là điển hình của rất đông người dân Bangkok bày tỏ bất mãn vì thông tin BRT sẽ biến mất. “Quyết định đó thực sự đáng xấu hổ. Nếu chính quyền thua lỗ, sao họ không giải quyết vấn đề mà lại đóng cửa một dịch vụ hữu ích như vậy”, bà Nantana, 62 tuổi chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm không nên đóng cửa dịch vụ này, ông Umesh Panday, biên tập viên của tờ Bangkok Post cho biết: “BRT là dự án cần không quá nhiều vốn đầu tư. Nếu so sánh với hệ thống tàu điện Purple Line mới mở dài 23 km cho năng suất phục vụ tương đương nhưng tiêu tốn chi phí hoạt động lên tới 50 tỉ baht, bạn sẽ thấy con số thua lỗ của BRT không quá đáng”. Ông Panday cho biết, không riêng BMA, Cơ quan Vận tải Công cộng Bangkok (BMTA) đã thua lỗ 100 tỉ baht và vẫn tiếp tục gánh khoản thua lỗ 4-5 tỉ baht/năm. Hay, cơ quan Đường sắt Nhà nước Thái Lan cũng đang hoạt động thua lỗ, đến nay đã nợ hơn 100 tỉ baht. Ông Panday cho rằng, khó có thể chấp nhận lý do thua lỗ mà BMA đưa ra để chấm dứt dịch vụ xe buýt nhanh.
Không công bằng
Nhiều người dân và chuyên gia cũng chỉ trích chính quyền thành phố vì đối xử không công bằng với những người đi BRT khi đóng cửa dịch vụ vì lý do không phục vụ đúng đối tượng được xác định cho BRT ban đầu. Bà Sirinya Wattanasukchai, Phó thư ký toà soạn Bangkok Post nhận định: “Tôi nghĩ giao thông công cộng để phục vụ tất cả các nhóm người, không phải chỉ một vài nhóm người cụ thể. Đáng lẽ chính quyền thành phố nên cảm ơn những người sử dụng BRT vì họ đã cam tâm bỏ xe cá nhân ở nhà và chọn phương tiện công cộng này”. Một hành khách thường xuyên sử dụng BRT, giấu tên cho biết: “Tôi thực sự không muốn dịch vụ này đóng cửa. Tôi đã sử dụng dịch vụ này khoảng 5 năm và tôi thấy rõ BRT tích cực với giao thông và người dân, đặc biệt những người thường xuyên di chuyển”.
Là hành khách cao tuổi được hưởng ưu đãi, bà Nantana tự nguyện đề nghị Chính phủ có thể tăng giá để bù lỗ, kể cả với những người cao tuổi như bà. “Hiện nay giá xe buýt quá rẻ, đó là lý do vì sao dịch vụ này thua lỗ. Ban đầu, Chính phủ miễn phí cho người cao tuổi và sinh viên để thu hút người sử dụng phương tiện công cộng nhưng nay thua lỗ họ lại đóng cửa dịch vụ. Đó không phải cách để kêu gọi mọi người bỏ xe cá nhân, dùng phương tiện công cộng”, bà Nantana nói. Hiện nay, giá xe buýt BRT khoảng 5 baht (tương đương 3 nghìn VND) đối với tất cả các điểm dừng.
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận