Thời sự Quốc tế

Chính quyền Biden đang "tiến thoái lưỡng nan" vì Nord Stream 2

10/07/2021, 19:50

Chính quyền Mỹ đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình thỏa thuận với Đức về những vấn đề có thể phát sinh khi dự án Nord Stream 2 hoàn thành.

Đây là nhận định của nghiên cứu sinh cấp cao tại Trung tâm Á-Âu thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, bà Diane Francis trong bài viết được đăng tải trên trang web của Hội đồng này.

Thỏa thuận Mỹ-Đức về Nord Stream 2 khó thành

Theo bà Francis, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang phải đối mặt với thách thức bất đồng đan xen từ trong nước đến nước ngoài liên quan tới dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2).

Mỹ là một trong những quốc gia phản đối mạnh mẽ dự án Nord Stream 2 dẫn tới Đức vì cho rằng Nga có thể sử dụng dự án này làm vũ khí địa chính trị, mở rộng ảnh hưởng và gây áp lực lên các nước Châu Âu là đồng minh thân cận của Washington. Đồng thời, Mỹ cũng quan ngại, những dự án này có thể ảnh hưởng đến nguồn thu tài chính của các nước Ukraine, Ba Lan do đường ống dẫn nhiên liệu mới sẽ bỏ qua các nước này.

Chính quyền Mỹ đã thông qua gói trừng phạt vào tháng 12/2020 để ngăn chặn dự án Nord Stream 2. Tuy nhiên, cũng chính vì các lệnh trừng phạt này, chính quyền Joe Biden đang đứng giữa "ngã ba đường" khi vừa phải gỡ bỏ một phần để không khó xử với đồng minh phương Tây như Đức nhưng vẫn phải duy trì áp lực với Nga.

Thượng Nghị sĩ Ted Cruz, một trong những người ủng hộ trừng phạt Nord Stream 2, từng ngăn cản việc phê chuẩn tại Thượng viện đối với tất cả các ứng viên Bộ Ngoại giao Mỹ dưới chính quyền Joe Biden cho đến khi các biện pháp này được áp đặt.

Ngay đầu tháng 7, một ủy ban Hạ viện Mỹ đã thông qua luật sửa đổi có thể ngăn chính quyền Biden gỡ bỏ các lệnh trừng phạt đã được phê chuẩn.

Trong bối cảnh bất đồng nội bộ như vậy, chính quyền Mỹ vẫn phải tiếp tục đàm phán với Đức, là đồng minh thân cận và cũng là quốc gia trực tiếp nhận khí đốt từ Nga, để giảm thiểu những hậu quả tiêu cực sau khi dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 hoàn thành.

img

Hoạt động vận chuyển đường ống của dự án Nord Stream 2 lên tàu tại cảng Mukran, Đức vào tháng 6/2021

Trong các cuộc đàm phán, hai bên đã mổ xẻ nhiều vấn đề nhằm hạn chế thiệt hại cho Ukraine như đề xuất Đức bồi thường cho Kiev tiền phí trung chuyển khí đốt mà nước này đang nhận trong dự án hiện hữu và có thể mất đi khi dự án mới hoàn thành.

Hay như gợi ý Berlin có thể đầu tư để giúp Kiev xây dựng các nguồn năng lượng thay thế hoặc cam kết buộc Nga mở rộng chỉ tiêu trung chuyển khí đốt qua Ukraine.

Và, một biện pháp quan trọng do Mỹ đề xuất nhưng có vẻ như Đức đã phản đối đó là cơ chế “snapback” cho phép dừng vận chuyển khí đốt từ Nga nếu Ukraine bị tấn công hoặc bị cưỡng ép.

Song, nhiều nhà phê bình cho rằng, không có giải pháp nào mà Mỹ-Đức đang bàn bạc sẽ thực sự hiệu quả. Thực tế, những nước chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất từ dự án này như Ukraine và Ba Lan lại không được trực tiếp tham gia bàn bạc, dẫn tới những giải pháp đưa ra khó có thể sâu sát, theo nhà nghiên cứu Francis.

Chính quyền Mỹ đang kỳ vọng có thể đạt được thỏa thuận tạm thời về vấn đề này khi Thủ tướng Đức Angela Merkel tới thăm Mỹ vào giữa tháng 7 tới.

Sau đó, Nhà Trắng sẽ tiếp tục tìm kiếm sự đồng thuận từ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khi lãnh đạo Ukraine có chuyến thăm Mỹ cách đó vài tuần. Nhưng điều này là khó bởi Ukraine là một trong những bên thiệt hại nhất và từng tuyên bố sẽ đấu tranh đến cùng bất chấp lập trường của các nước Liên minh Châu Âu về dự án này như thế nào.

Tín hiệu Nga sẽ "vũ khí hóa năng lượng"

Bên cạnh những khó khăn về việc đạt đồng thuận với các đồng minh, bà Diane Francis cũng chỉ ra một số động thái của Nga gần đây có thể là tín hiệu cho thấy Moscow có thể dùng dự án khí đốt này làm “vũ khí chính trị”.

Điển hình, trong vài tuần qua kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nới lỏng các lệnh trừng phạt với Nord Stream 2, Tập đoàn năng lượng quốc gia Nga Gazprom đã giảm mạnh lượng khí đốt vận chuyển qua hệ thống trung chuyển của Ukraine.

Nhiều nhà phê bình cho rằng, Kremlin đang hạn chế vận chuyển năng lượng tới các nước Châu Âu để ngăn các nước này dự trữ khí đốt cho mùa đông sắp tới.

img

Nord Stream 2 là tuyến đường vận chuyển khí đốt từ Nga sang Đức và bỏ qua Ukraine, dài 1.230 km

Việc cắt giảm vận chuyển khí đốt của Nga tới Ukraine vừa qua đồng nghĩa, tỉ lệ dự trữ khí đốt trên khắp Châu Âu đang ở mức thấp nhất trong 1 thập kỷ.

“Khi hoạt động bơm khí đốt vào các cơ sở dự trữ bị giữ ở mức tối thiểu, chắc chắn, Châu Âu sẽ phải đối mặt với viễn cảnh các cơ sở dự trữ khí đốt ngầm sẽ chỉ còn một nửa trong mùa đông sắp tới”, hãng tin Interfax-Ukraine cảnh báo.

Bà Francis chỉ ra một tín hiệu khác là đầu tháng 6 này, trong phát biểu biểu công khai, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh, để có thể tiếp tục trung chuyển khí đốt qua Ukraine, Kiev cần phải chứng minh “thiện chí” với Nga.

Dự kiến, dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 từ Nga - Đức sẽ hoàn tất trong tháng 8 tới.

Về phía Nga, Moscow và Berlin luôn khẳng định dự án Dòng chảy phương Bắc 2 chỉ đơn thuần là vì mục đích kinh tế.

Vụ trưởng Vụ Hợp tác Kinh tế Bộ Ngoại giao Nga Dmitry Birichevsky khẳng định, “Chúng tôi không hề tìm cách ngừng nguồn cung khí đốt qua Ukraine. Nga chưa bao giờ sử dụng tài nguyên về khí đốt và năng lượng làm nhân tố để gây áp lực hoặc tống tiền".

"Khi các thực thể kinh tế đạt được thỏa thuận, nếu nhu cầu sử dụng khí đốt Nga tại các khu vực thuộc Châu Âu vẫn còn thì nguồn nhiên liệu của Nga vẫn sẽ được chuyển tới người tiêu dùng một cách an toàn”, ông Birichevsky cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.