Vị trí bán đảo Alaska trên bản đồ
RIA Novosti dẫn lời Phó Chủ tịch thứ nhất Nghị viện Crimea Efim Fix cho biết, dự luật của Quốc hội Mỹ cấm Nhà Trắng công nhận việc sáp nhập Crimea vào Nga đã bị cư dân trên bán đảo phản đối mạnh mẽ và tỏ thái độ thờ ơ.
Đồng thời, người dân và chính quyền Crimea cũng đang tranh luận để soạn thảo một văn kiện phủ nhận chủ quyền của Mỹ trên bán đảo Alaska.
Trước đó, Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Quốc hội Mỹ đã ủng hộ dự luật cấm chính phủ nước này công nhận chủ quyền của Nga đối với Crimea.
"Chúng tôi không quan tâm đến quan điểm của Mỹ, dù họ có công nhận Crimea hay không thì cũng sẽ chẳng có gì thay đổi ở Nga hay Crimea.
Chúng tôi cũng có thể chuẩn bị và thông qua một văn bản về việc không công nhận chủ quyền của Mỹ trên Alaska.
Chúng tôi sẽ thông qua một văn bản như vậy và tuyên truyền tài liệu này trên toàn thế giới.
Hãy xem các nhà chức trách Mỹ sẽ nói gì sau đó, hãy để họ giải thích về vấn đề này trước toàn thế giới ", ông Efim Fix cho biết.
Đồng thời, ông Efim Fix cũng lưu ý rằng sẽ không ai làm điều này, vì Nga rất có trách nhiệm và tôn trọng các chính sách nội bộ của các quốc gia khác.
Theo ông Efim Fix, Mỹ nên học hỏi Nga về thực hiện chính sách không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác.
Ông Efim Fix kết luận: "Đã đến lúc Mỹ cần bình tĩnh vì các quan điểm của Nga hoàn toàn không ảnh hưởng đến các quyết định của Mỹ".
Alaska là bang cực bắc và lớn nhất của Mỹ, nằm ở phía tây bắc của lục địa châu Mỹ và có đường biên giới biển với Nga tại eo biển Bering.
Alaska được phát hiện vào năm 1732 bởi một đoàn thám hiểm của Nga, cho đến năm 1867 là lãnh thổ của Nga ở Bắc Mỹ, nhưng sau đó vùng đất này đã được bán cho Mỹ sau một thỏa thuận giữa hai nước.
Crimea trở thành một phần lãnh thổ của Nga vào tháng 3/2014 sau cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức sau cuộc đảo chính ở Ukraine. 96,77% cử tri Cộng hòa Crimea và 95,6 % cư dân thành phố Sevastopol ủng hộ việc thống nhất với Nga.
Ukraine coi bán đảo Crimea là lãnh thổ của riêng mình, nhưng ở diện đang bị Nga chiếm đóng tạm thời.
Moscow đã nhiều lần tuyên bố rằng việc sáp nhập bán đảo vào Nga là một quyết định dân chủ và thỏa theo nguyện vọng của người dân Crimea, tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.
Theo Tổng thống Vladimir Putin, vấn đề Crimea đã hoàn toàn khép lại và không còn gì phải bàn cãi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận