Vừa qua, Báo Giao thông đã đăng tải các bài viết: "Thái Nguyên: Đất trúng đấu giá 6 năm vẫn nằm giữa nghĩa địa", "Vì sao người dân đấu giá đất tiền tỷ nhưng 6 năm không thể sử dụng?"… phản ánh việc hàng chục hộ dân TP Thái Nguyên bức xúc khi diện tích đất trúng đấu giá 6 năm của mình chưa được đầu tư hạ tầng. Thậm chí, nhiều diện tích chưa có mặt bằng, nằm giữa nghĩa địa, đường thi công dở dang, mất ATGT…
Ngay sau những phản ánh trên, UBND TP Thái Nguyên đã chỉ đạo đơn vị liên quan đến giải tỏa san lấp mặt bằng nhưng lại sử dụng vật liệu tại chỗ mà không thay thế đất như cam kết khiến người dân bức xúc.
Theo quy định, trước khi đấu giá đất ở đều phải hoàn thành hệ thống hạ tầng cơ sở (đường sá, điện sinh hoạt, nước sạch...). Mặt khác, việc hoàn thành hạ tầng trước khi đấu giá sẽ góp phần nâng cao giá trị các lô đất ở gấp nhiều lần so với khi chưa có hạ tầng.
Do đó, việc tổ chức đấu giá đất ở khi chưa hoàn thành xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật được phê duyệt đầu tư là hoàn toàn trái quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, việc chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng các lô đất hiện vẫn là nghĩa địa, taluy cao, đường đi, tranh chấp là không đáp ứng đủ điều kiện để được tổ chức đấu giá.
Chủ đầu tư dự án đều biết quy định pháp luật về các điều kiện hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, giải phóng mặt bằng trước khi tổ chức đấu giá đất ở. Tuy nhiên, việc thi công hạ tầng thường chậm hơn so với tiến độ đề ra, do đó các địa phương đã tổ chức đấu giá đất trước, tiếp tục hoàn thiện hạ tầng sau là không đúng trình tự thủ tục của pháp luật.
Theo Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai đã quy định, chủ đầu tư dự án phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gồm các công trình dịch vụ, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt; Đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực trước khi thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở; đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu gồm cấp điện, cấp nước, thoát nước, thu gom rác thải…
Như vậy, để tài sản chưa đủ điều kiện theo nội dung mô tả của phương án đấu giá là lỗi của người đứng đầu chính quyền và họ phải chịu trách nhiệm về việc này.
UBND TP Thái Nguyên yêu cầu người dân đóng tiền mà tài sản đấu giá không đúng, không đủ, không đảm bảo cả điều kiện theo giao dịch đấu giá, không đủ điều kiện sử dụng theo quy định pháp luật về đất đai.
Sau một khoảng thời gian dài khi người trúng đấu giá đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính của mình mà hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thiện, người dân chưa thể xây dựng nhà ở thì số tiền họ hoàn thành theo trách nhiệm nộp tiền được sử dụng như thế nào?
Hiện nay, các hộ có thể làm đơn đề nghị UBND TP Thái Nguyên, các cơ quan liên quan giải quyết. Nếu vẫn không giải quyết được thì những người mua đấu giá đất có thể khởi kiện để đòi đất, đòi xây dựng hạ tầng kỹ thuật mà đúng ra họ có quyền được hưởng sau khi hoàn tất các thủ tục đấu giá.
Sự việc trên cho thấy rõ ràng quyền được có đất ở hợp pháp thông qua đấu giá của người dân đã bị lợi dụng, xâm hại.
Việc này có thể tạo tiền lệ xấu cho nhiều chủ đầu tư dự án bất động sản chạy theo lợi nhuận mà quên đi việc phải hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, thay đổi, kéo dài thời gian thực hiện dự án; không quyết toán gây thất thoát nguồn thu cho ngân sách, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức nhà nước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận