Xã hội

Chính sách giảm nghèo phải thực chất

16/05/2014, 13:43

Rà soát lại chính sách, bớt chi phí trung gian, tránh đầu tư dàn trải... là những góp ý mà các đại biểu đưa ra khi cho ý kiến về báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo ...

Chính sách giảm nghèo phải khuyến khích người dân thoát nghèo
Chính sách giảm nghèo phải khuyến khích người dân thoát nghèo

Theo báo cáo của Chính phủ, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,2% năm 2010 xuống 9,6% năm 2012 (chuẩn giai đoạn 2010-2015). Thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo theo các nghị quyết của Quốc hội những năm qua cho thấy, tỉ lệ giảm nghèo cả nước đều đạt và vượt chỉ tiêu, bình quân giai đoạn 2005 - 2012, mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2,3 - 2,5%.


Tuy nhiên, theo đánh giá của Đoàn giám sát Ủy ban TVQH, hiện tỷ lệ nghèo giữa các vùng, miền còn khoảng cách khá lớn. Đến năm 2012, chỉ có 3 vùng tỷ lệ hộ nghèo dưới 10%, đó là Đông Nam Bộ (1,27%), Đồng bằng sông Hồng (4,89%) và Đồng bằng sông Cửu Long (9,24%); các vùng có tỉ lệ nghèo cao là miền núi Tây Bắc (28,55%), miền núi Đông Bắc (17,39%) và Tây Nguyên (15%); có 1/5 số tỉnh có tỉ lệ hộ nghèo ở mức trên 20%.


Chính vì vậy, vấn đề tổ chức thực hiện chính sách giảm nghèo tại khu vực vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số được nhiều đại biểu tập trung phân tích. Ông Ksor Phước - Chủ tịch Hội đồng dân tộc của QH cho rằng, hiện đang tồn tại một mâu thuẫn, đó là nơi mật độ dân số thấp lại thiếu đất sản xuất và đất ở. Khi doanh nghiệp đầu tư ở nơi có đông đồng bào dân tộc, nhưng khi đi vào sản xuất thì lại lấy lao động từ dưới xuôi lên, như vậy đồng bào dân tộc thiểu số mất đi một cơ hội thoát nghèo. 


Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý yêu cầu rà soát lại báo cáo, có sự phân tích xem tính chất bền vững của giảm nghèo ở mức độ nào, đánh giá cụ thể xem tất cả các chính sách chúng ta làm đã thực sự phát huy hiệu quả chưa. 


“Giảm nghèo cho người dân nhưng là phải để người dân tự phát huy, khuyến khích người dân thoát nghèo. Bởi thực tế, có tình trạng người dân cho rằng, nếu năm nay không “phấn đấu” được xã nghèo thì phải xem xét vai trò cán bộ. Nhiều nơi dân muốn nghèo để có chế độ, chính sách, không muốn thoát nghèo. Như vậy thì phải xem lại, chính sách áp dụng có khuyến khích người dân thoát nghèo không hay lại khuyến khích người dân giữ nghèo”, ông Lý cho biết.


Ông Nguyễn Đức Hiền - Trưởng ban Dân nguyện của QH cho rằng, để giảm nghèo nhanh, bền vững, cần tập trung vào nguồn lực con người nhưng hiện nay vấn đề lao động, việc làm chưa được đầu tư thỏa đáng. Và trách nhiệm trong việc giảm nghèo không chỉ đổ hết lên đầu Bộ LĐ, TB&XH mà của nhiều bộ, ngành khác. 

Minh Thành
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.