Theo kết luận điều tra vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đề nghị truy tố 14 bị can với 3 tội danh: "Vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng"; "Nhận hối lộ" và "Đưa hối lộ".
Theo kết luận điều tra, ông Trương Minh Tuấn, cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông cùng ông Phạm Nhật Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) được đề nghị áp dụng chính sách hình sự đặc biệt; còn cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son không được áp dụng chính sách này.
Theo kết luận điều tra, đầu năm 2015, ông Lê Nam Trà, Tổng Giám đốc, kiêm Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Mobifone làm văn bản gửi Bộ Thông tin và truyền thông xin phê duyệt chủ trương đầu tư dịch vụ truyền hình theo phương thức mua lại Công ty CP Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) do Phạm Nhật Vũ là Chủ tịch HĐQT.
Thời điểm này, ông Nguyễn Bắc Son làm Bộ trưởng, ông Trương Minh Tuấn giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông. Dưới sự chỉ đạo của ông Son, ông Tuấn đã ký quyết định phê duyệt đầu tư dự án với mức 8.900 tỉ đồng khi chưa có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng.
Vậy “chính sách hình sự đặc biệt” mà kết luận điều tra đưa ra là gì? Theo Luật sư Trương Anh Tú, VP Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội, Bộ luật Hình sự hiện hành không quy định cái gọi là “chính sách hình sự đặc biệt”. Có chăng trong một số trường hợp như người già yếu, bị bệnh HIV... phạm tội đặc biệt nghiêm trọng bị kết án tử hình, tù chung thân nhưng được hoãn thi hành hay giảm án…
"Chính sách đặc biệt đó là một cách nói mang tính chất khẩu ngữ, thuật ngữ này không có trong Bộ luật Hình sự. Chính sách hình sự đặc biệt có thể được hiểu có sự khoan hồng của Nhà nước dành cho những người, những bị can, bị cáo mà đã khẩn khai báo giúp sức tích cực để cơ quan điều tra hoàn thành nhiệm vụ, khắc phục hậu quả, chỉ ra những đồng phạm, tội phạm khác giúp cơ quan Nhà nước thực hiện tốt trong quá trình điều tra, thì sẽ được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự", luật sư Tú phân tích và cho biết, việc này không có gì đặc biệt, nhiều bị can, bị cáo đã được áp dụng chính sách khoan hồng này.
Về vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính pháp phân tích, pháp luật hình sự Việt Nam luôn thể hiện hai đặc tính cơ bản là nghiêm trị và nhân đạo. Hai đặc tính này luôn đan xen, hòa quyện vào nhau để tạo ra sự hài hòa, hiệu quả hiệu lực trong việc áp dụng pháp luật hình sự. Tính nghiêm trị trong xét xử vụ án hình sự, áp dụng pháp luật hình sự thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật.
Tuy nhiên, pháp luật cũng thể hiện tính chất khoan hồng, nhân đạo đối với từng đối tượng, trong từng hoàn cảnh cụ thể, đó là: “Sẽ khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra”.
“Trong kết luận điều tra, cơ quan điều tra cũng có thể đề nghị tòa án xem xét áp dụng các tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự, thể hiện sự khoan hồng, nhân đạo đối với một hoặc một số bị cáo nào đó nếu có căn cứ cho rằng có bị can nào đó xứng đáng được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật theo quy định nêu trên...”, luật sư Cường nói.
Thương vụ Mobifone mua AVG hoàn thành, Phạm Nhật Vũ đã đến nhà riêng đưa cho ông Son 3 triệu USD. Ông Son khai sau khi nhận tiền đã đưa cho con gái khoảng 10 lần, mỗi lần từ 300.000 - 400.000 USD nhưng không có tài liệu gì chứng minh, còn con gái ông phủ nhận sự việc.
Ngoài ra, ông Son còn khai, nhận của ông Cao Duy Hải, cựu Tổng giám đốc Mobifone số tiền 200 triệu đồng và 200.000 USD của ông Lê Nam Trà, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Mobifone dịp Tết âm lịch 2016.
Trong thương vụ này, Phạm Nhật Vũ còn "lót tay" cho ông Trương Minh Tuấn 200 ngàn USD; ông Lê Nam Trà 2,5 triệu USD; ông Cao Duy Hải, 500 ngàn USD.
Theo ông Cường, trong kết luận điều tra vụ án Mobifone mua AVG, các bị can Phạm Nhật Vũ, Trương Minh Tuấn được đề nghị áp dụng chính sách hình sự đặc biệt, là do những tình tiết giảm nhẹ như bị can tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra... Còn bị cáo nào không có các tình tiết giảm nhẹ trên, thì không được hưởng chính sách khoan hồng, hay có thể gọi là chính sách hình sự đặc biệt này.
Tuy nhiên, đây chỉ là đề nghị của cơ quan điều tra, chưa phải là quyết định cuối cùng của vụ án. Để đánh giá tính chất, mức độ của hành vi thế nào, đánh giá nhân thân và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như thế nào khi lượng hình thì thẩm quyền thuộc về tòa án trong quá trình xét xử, theo kết quả tranh tụng tại phiên toà”, luật sư Cường lưu ý.
Về chính sách hình sự đặc biệt, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cũng cho biết, đó một trong những chính sách khoan hồng. Các quy định về việc này được thể hiện rõ ràng, cụ thể để ghi nhận sự hợp tác của người phạm tội trong việc khai báo cũng như khắc phục hậu quả.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận