Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ tháng 3/2017. |
Sáng 3/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017.
Tại phiên họp, Thủ tướng đã nêu 10 điểm nổi bật và những điểm tồn tại, bất cập để các thành viên Chính phủ thảo luận, từ đó, đề nghị các thành viên Chính phủ không chỉ tìm ra nguyên nhân mà cần thảo luận về các giải pháp để khắc phục trong tháng 4 cũng như thời gian tới.
Các điểm sáng được Thủ tướng nêu lên là kinh tế vĩ mô ổn định, CPI 3 tháng tăng 0,9% (cùng kỳ tăng 0,99%); Xuất khẩu tăng mạnh, ước đạt trên 43,7 tỷ USD, tăng 12,8%; Các khu vực nông nghiệp và dịch vụ có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ; Khách quốc tế tiếp tục tăng nhanh, đạt trên 3,2 triệu lượt, tăng 29%; Thu ngân sách tăng mạnh, đạt 23,4% dự toán, tăng 13,5% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục tăng nhanh...
Một điểm nổi bật nữa là môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Theo công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của VCCI, có 51 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành từ khá trở lên.
“Tuy vậy, tại phiên họp này, tôi cũng nêu một điều hết sức lo lắng là tăng trưởng GDP quý I chỉ mới đạt 5,1%, là thấp”, Thủ tướng nói và cho rằng một nguyên nhân chính là do khai thác dầu, công nghiệp chế tạo, do nhiều hoàn cảnh khác nhau, chưa đạt kế hoạch đề ra. Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thảo luận để tìm ra biện pháp cụ thể trong từng ngành hàng, từng lĩnh vực để có đối sách, phản ứng chính sách tốt hơn, khắc phục tình trạng GDP tăng trưởng chậm trong quý I.
Đề cập tình hình thế giới với một số chuyển biến tốt như một số nước có tăng trưởng nhưng Thủ tướng cũng cho rằng còn tiềm ẩn khó định, ảnh hưởng lớn đến nước ta. Thủ tướng nêu ví dụ như chính sách bảo hộ mậu dịch của Mỹ từ khi ông Donald Trump làm Tổng thống, có thể tác động đến xuất khẩu của nước ta như dòng vốn đầu tư nước ngoài cả trực tiếp và gián tiếp cũng như có thể bị tác động; Sức ép tăng lạm phát, tỷ giá gia tăng.
“Trong bối cảnh đó, chúng ta đặt vấn đề phải tăng trưởng và kiềm chế lạm phát, thì mới bảo đảm các cân đối vĩ mô như ngân sách nhà nước, nợ công, đầu tư, xuất nhập khẩu, giải quyết việc làm, thu nhập, đời sống của người dân”, Thủ tướng nói và cho rằng đây phải là quyết tâm chính trị, cần có giải pháp căn cơ, cụ thể hơn. Phải theo dõi tình hình để phản ứng chính sách chặt chẽ, linh hoạt, chủ động hơn, đặc biệt là làm sao đẩy mạnh đầu tư xã hội.
Xem thêm Video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận