Xã hội

Chính sách nổi bật từ tháng 7: Tăng lương cơ sở, đấu giá biển số ô tô

30/06/2023, 05:30

Tăng mức lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng; Thí điểm đấu giá biển số ô tô... là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 7/2023.

Tăng mức lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng

Theo Nghị định 24/2023 của Chính phủ, mức lương cơ sở sẽ tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng kể từ ngày 1/7.

img

Từ 1/7, mức lương cơ sở sẽ tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng

Mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang.

Như vậy, sau 2 năm (2020, 2021) bị trì hoãn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang sẽ được tăng lương cơ sở.

img

Bắt đầu từ tháng 7, người dân chính thức được đấu giá biển số xe ô tô

Thí điểm đấu giá biển số ô tô

Theo Nghị quyết 73/2022 về thí điểm đấu giá biển số ô tô, việc đấu giá được thực hiện từ ngày 1/7 theo hình thức trực tuyến.

Biển số ô tô đưa ra đấu giá là biển số ô tô nền màu trắng, chữ và số màu đen, trừ biển số cấp cho ô tô của doanh nghiệp quân đội làm kinh tế, ô tô của dự án… Giá khởi điểm của một biển số ô tô đưa ra đấu giá là 40 triệu đồng, mỗi bước giá là 5 triệu đồng.

Người trúng đấu giá biển số ô tô sẽ được đăng ký biển số ô tô trúng đấu giá gắn với ô tô thuộc sở hữu của mình.

Người trúng đấu giá biển số được giữ lại biển số ô tô trúng đấu giá trong trường hợp ô tô bị mất, hư hỏng không thể sử dụng được hoặc được chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu của mình trong thời hạn 12 tháng kể từ thời điểm ô tô bị mất, hư hỏng không thể sử dụng được hoặc được chuyển giao quyền sở hữu.

img

Cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân sẽ bị xử lý

Bảo vệ dữ liệu cá nhân

Nghị định 13/NĐ-CP của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân có hiệu lực từ ngày 1/7.

Dữ liệu cá nhân là thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự trên môi trường điện tử gắn liền với một con người cụ thể hoặc giúp xác định một con người cụ thể.

Dữ liệu cá nhân bao gồm dữ liệu cá nhân cơ bản và dữ liệu cá nhân nhạy cảm. Trong đó, dữ liệu cá nhân nhạy cảm là dữ liệu cá nhân gắn liền với quyền riêng tư của cá nhân mà khi bị xâm phạm sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân tùy theo mức độ có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự theo quy định.

Cơ quan chuyên trách bảo vệ dữ liệu cá nhân là Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) có trách nhiệm giúp Bộ Công an thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

img

Có 3 nhóm cán bộ, công chức, viên chức phải thực hiện chính sách tinh giản biên chế từ ngày 20/7

Chính sách mới về tinh giản biên chế

Ngày 3/6, Chính phủ ban hành Nghị định 29 về tinh giản biên chế, có hiệu lực thi hành từ ngày 20/7 và áp dụng đến hết ngày 31/12/2030.

Nghị định quy định rõ 3 nhóm cán bộ, công chức, viên chức thuộc đối tượng thực hiện chính sách tinh giản biên chế.

Nhóm thứ nhất là cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, công chức cấp xã và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn trong các cơ quan hành chính được áp dụng chế độ, chính sách như công chức theo quy định của Chính phủ, nếu thuộc trường hợp dôi dư do sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; dôi dư do rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự theo quyết định của cấp có thẩm quyền…

Nhóm thứ hai là người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn thực hiện các công việc chuyên môn nghiệp vụ thuộc danh mục vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung trong đơn vị sự nghiệp công lập dôi dư do sắp xếp lại tổ chức hoặc cơ cấu lại nhân lực của đơn vị.

Nhóm thứ ba là người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp thôn, tổ dân phố khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nghỉ trong thời gian 12 tháng kể từ khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền.

Nghị định quy định rõ các chính sách tinh giản biên chế: Chính sách nghỉ hưu trước tuổi; chính sách chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước; chính sách thôi việc; chính sách nghỉ hưu trước tuổi đối với cán bộ, công chức cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã có tuổi thấp hơn tối đa đủ 10 tuổi và thấp hơn tối thiểu trên 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.