Theo thông tin từ Bộ Công thương, Bộ này vừa có văn bản gửi các Bộ ngành lấy ý kiến về dự thảo Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án giải quyết khó khăn trong đầu tư các dự án điện gió.
Theo đề xuất, giá mua bán điện gió cho cơ chế giá FIT (áp dụng từ 1/11/2021) đối với dự án đưa vào vận hành từ tháng 11/2021 đến tháng 12/2022 sẽ có giá 7,02 UScent/kWh (dự án trên bờ); 8,47 UScent (dự án trên biển); Đối với dự án đưa vào vận hành trong năm 2023 có giá tương ứng với các loại hình lần lượt là 6,81 UScent và 8,21 UScent.
Đối với các dự án được cơ quan có thẩm quyền cho phép giãn tiến độ đầu tư và có ngày vận hành thương mại sau năm 2023, dự kiến áp dụng tỉ lệ giảm giá lũy kế theo tỉ lệ 2,5% sau mỗi quý, tính từ tháng 2/2024.
Bộ Công thương cho biết, trong thời gian qua, Bộ đã nhận được các báo cáo của UBND 10 tỉnh, Hiệp hội điện gió thế giới, phòng thương mại Châu Âu...đề nghị Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng xem xét gia hạn thời hạn áp dụng cơ chế giá điện gió cố định tại Quyết định 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018 cho các dự án vào vận hành thương mại đến năm 2022-2023 (gia hạn 1-2 năm).
Nguyên nhân cũng do một số khó khăn, vướng mắc chủ yếu ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án điện gió.
Cụ thể, sau thời điểm Quyết định 39/2018/QĐ-TTg có hiệu lực (1/11/2018), hoạt động đăng kí đầu tư và bổ sung quy hoạch đối với các dự án điện gió mới và các dự án truyền tải để tiếp nhận, giải tỏa công suất bị ngừng trệ hơn một năm do chưa có các hướng dẫn thực hiện.
Nhiều dự án đã được bổ sung quy hoạch vào tháng 12/2019 với công suất 7.000 MW (Nghị quyết 110 của Chính phủ ngày 2/12/2019) cần thời gian triển khai khoảng 2-3 năm trong khi thời hạn hiệu lực còn lại của cơ chế giá điện cố định theo qui định tại Quyết định 39 không đủ để nhà đầu tư triển khai các hoạt động, chuẩn bị và thực hiện xây dựng dự án điện gió.
Bên cạnh đó, các dự án điện gió trong quy hoạch phát triển tại các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ hầu hết là các dự án trên biển, gần bờ. Vì vậy, yêu cầu về thời gian chuẩn bị dự án, thi công xây dựng dài hơn (trên bờ khoảng 2 năm, trên biển gần bờ khoảng 3-3,5 năm).
Đồng thời, các quy định về xác định khu vực biển, cấp giấy pháp sử dụng khu vực biển phức tạp khi hiện nay chưa có quy định về xác định diện tích khu vực biển để tính tiền sử dụng khu vực biển...dẫn đến kéo dài thời gian và gia tăng chi phí đối với các dự án trên biển.
Ngoài ra, do dịch Covid-19 kéo dài toàn cầu đã và đang tác động đến nguồn cung cấp thiết bị điện gió, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án…”, Bộ Công thương nêu.
Trước thực tế đó, Bộ Công thương cho rằng, việc kéo dài thời điểm áp dụng cơ chế giá FIT cho các dự án điện gió tại Quyết định 39 là phù hợp để đảm bảo kịp thời huy động phát triển nguồn điện gió để cung cấp điện cho hệ thống.
Bên cạnh đó, sẽ tác động đối với chi phí huy động điện toàn hệ thống như giảm chi phí sản xuất của Tập đoàn điện lực Việt Nam từ 1.03-1.35 triệu USD/năm trong giai đoạn 2020-2030.
Hơn nữa, phát triển thị trường thiết bị, dịch vụ và vốn đầu tư nước ngoài cũng như thay thế một phần nguồn điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch và thực hiện cam kết về bảo vệ môi trường...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận