TIN LIÊN QUAN |
---|
Chia lửa với đường bộ khoảng 20 nghìn lượt phương tiện/tháng
Việc công bố tuyến vận tải ven biển là giải pháp tăng cường kết nối các phương thức vận tải, giảm áp lực cho vận tải đường bộ, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho đơn vị kinh doanh vận tải và chủ hàng.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công, Cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Nhật cắt băng công bố tuyến vận tải từ Quảng Ninh đến Quảng Bình |
Phát biểu tại lễ công bố tuyến, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết, thời gian qua, Bộ GTVT quyết liệt triển khai kiểm soát tải trọng xe, siết chặt kinh doanh vận tải. Tình trạng hàng hóa ứ đọng tại một số cảng biển, trong đó có cảng biển Hải Phòng đã xuất hiện. Việc công bố tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình sẽ làm giảm áp lực trên đường bộ cho khoảng trên 20.000 lượt phương tiện/tháng, tương đương khoảng 500.000 đến 600.000 tấn hàng hóa” – Thứ trưởng nói.
Trong thời gian tới, để tiếp tục nghiên cứu, công bố tuyến vận tải ven biển dọc theo đất nước và thực hiện Quyết định số2495/QĐ-BGTVT hiệu quả, Thứ trưởng yêu cầu các cơ quan, đơn vị cần phải có sự phối hợp chặt chẽ để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, tạo điều kiện kinh doanh cho các doanh nghiệp vận tải, các chủ hàng và người dân qua đó góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả và kết hợp hài hòa các phương thức vận tải, giảm áp lực cho vận tải đường bộ, hạ giá thành vận tải.
Đại diện cảng vụ hàng hải Hải Phòng trao Giấy phép rời cảng cho chủ tàu |
Thời gian gấp 3 nhưng chi phí chỉ bằng 1/6
“Thời gian vận chuyển bằng tàu ven biển gấp 2,5 đến 3 lần so với vận chuyển bằng đường bộ, tuy nhiên chi phí vận chuyển chỉ bằng 1/5 đến 1/6 so với phương thức đường bộ. Với số lượng tàu hiện có, tuyến vận tải ven biển này sẽ đảm nhận vận chuyển hàng hóa với khối lượng lớn, đặc biệt đối với hàng hóa siêu trường, siêu trọng từ miền Bắc đến miền Trung, nơi đang xây dựng và hình thành các khu công nghiệp lớn” – Cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Nhật cho biết.
Theo kết quả khảo sát sơ bộ, luồng hàng vận chuyển giữa Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình, trung bình mỗi tháng có khoảng 500 - 600 nghìn tấn hàng hóa được vận chuyển. Nếu đi bằng đường bộ (xe 30 tấn) cần khoảng hơn 20.000 lượt phương tiện/tháng. Nếu vận chuyển khối lượng tương đương bằng tàu biển (tàu trọng tải 1.000 tấn) cần khoảng hơn 600 lượt tàu/tháng, tức cần khoảng 80 - 100 tàu. |
Cục Hàng hải VN đã có văn bản yêu cầu các Cảng vụ Hàng hải từ Quảng Ninh đến Quảng Bình làm thủ tục nhanh, bố trí nhân lực thường trực 24 giờ/7 ngày để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tàu đến, rời và hoạt động tại cảng; ưu tiên lập kế hoạch cho tàu được làm hàng nhanh chóng, kẻ cả làm thêm ca, bố trí nhân lực, vật lực, phương tiện, kho bãi để giải phóng hàng.
Các doanh nghiệp vận tải thủy khai thác trên tuyến phải bố trí thuyền viên làm việc trên các phương tiện này phải bảo đảm đủ tiêu chuẩn, bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn theo đúng quy định. Lực lượng tìm kiếm, cứu nạn hàng hải duy trì lực lượng, phương tiện chuyên dụng thường trực, sẵn sàng tiếp nhận, xử lý thông tin cấp cứu và triển khai hoạt động tìm kiếm, cứu nạn.
Phía Hải Phòng, ông Lê Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng cho rằng, tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình đi vào hoạt động sẽ tăng cường kết nối, nâng cao năng lực và hiệu quả của các phương thức vận tải để giảm tải cho vận tải đường bộ, góp phần thiết lập lại thị trường vận tải bình đẳng và có cơ cấu thị phần hợp lý giữa các phương thức, đặt biệt là giải quyết hàng hóa ứ đọng tại cảng biển.
“Hàng tháng sẽ giảm được hàng ngàn lượt phương tiện ô tô trọng tải 30 tấn lưu thông trên các tuyến đường bộ qua các cung đường từ Quảng Ninh đến Quảng Bình và được thay bằng các phương tiện thủy. Điều này rất ý nghĩa trong việc góp phần giải quyết tình trạng “quá tải” mật độ lưu lượng giao thông và tình trạng tình trạng sử dụng các phương tiện chở quá tải, giúp đảm bảo an toàn giao thông, nâng cao tuổi thọ đường” – ông Thành phân tích.
Thanh Bình
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận