Ông Nguyễn Đình Chiến - Trưởng ban QLDA mở rộng Thủy điện Đa Nhim |
Ngày mai (31/3), Dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim sẽ chính thức khoan hầm bằng công nghệ TBM. Đây là công nghệ khoan hầm tiên tiến đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường. Công ty TNHH Máy xây dựng Việt Nhật và Công ty CP Xây dựng 47 đã nhập và vận hành thiết bị TBM 390E khoan hầm cho dự án. Nhân dịp này, Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Chiến, Trưởng ban QLDA mở rộng Thủy điện Đa Nhim.
Ông đã tham gia xây dựng nhiều nhà máy thủy điện, có dự án thủy điện nào sử dụng khoan hầm bằng công nghệ TBM không?
Tôi từng tham gia một số dự án thủy điện từ giai đoạn đầu như: Thủy điện Hàm Thuận và Đa Mi với tư cách là thành viên Ban chuẩn bị sản xuất. Một số dự án khác tôi tham gia thực hiện dịch vụ kỹ thuật là: Tư vấn giám sát thủy điện A Lưới, Đồng Nai 5, Xe Ka Man 1 (Lào)... Ngoài ra, tham gia lắp đặt, thí nghiệm hiệu chỉnh tại dự án Thủy điện Đa Siat, Đa Dâng 2, ĐakR’tih… và làm quản lý dự án Thủy điện Hạ Sông Pha 1, Hạ Sông Pha 2.
Các dự án tôi từng tham gia đều dùng phương án đào hầm bằng khoan nổ truyền thống. Theo tôi biết, đến thời điểm hiện nay, Việt Nam mới chỉ có duy nhất dự án Thủy điện Đại Ninh dùng phương pháp khoan hầm bằng công nghệ TBM đã đi vào hoạt động.
Thiết bị TBM 390E đã được đưa vào hầm Dự án mở rộng Thủy điện Đa Nhim, sẵn sàng khoan hầm chính thức |
Tạo sao Ban QLDA mở rộng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim quyết định sử dụng công nghệ TBM khoan hầm? Việc này mang lại lợi ích gì, thưa ông?
Dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim có đường hầm mới được xây dựng bên cạnh đường hầm đang vận hành có quy mô công suất 160 MW. Vì vậy, chúng tôi quyết định sử dụng công nghệ khoan hầm bằng TBM để đảm bảo an toàn cho đường hầm hiện hữu, giảm thời gian thực hiện khoan hầm so với đào hầm bằng phương pháp khoan nổ truyền thống. Ngoài ra, khoan hầm bằng TBM còn có một số ưu điểm khác như: Thi công nhanh, chính xác, giảm tác hại với môi trường...
Việc vận hành thiết bị TBM 390E khoan hầm Dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim đang diễn ra như dự kiến, ông đánh giá thế nào về việc sử dụng thiết bị này?
Tôi đánh giá cao nỗ lực của Nhà thầu Công ty CP Xây dựng 47 trong thời gian qua khi hoàn thành tốt công tác chuẩn bị thiết bị khoan hầm TBM 390E, sẵn sàng cho việc khoan hầm chính thức. Thiết bị TBM 390E đã được kiểm tra, tất cả các chức năng như khoan tiên phong, khoan neo, phun bê tông… và vận hành không tải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật để đưa thiết bị TBM vào vận hành chính thức.
Cảm ơn ông!
Dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim có tổng mức đầu tư khoảng 1.952 tỷ đồng, sử dụng vốn ODA của Nhật Bản (85%) và vốn đối ứng của chủ đầu tư (15%). TBM là công nghệ đào hầm tiên tiến, được áp dụng tại nhiều dự án lớn trên thế giới có hạng mục đào hầm như: Đường hầm dài nhất thế giới 57km ở Thụy Sĩ; Hầm nối Pháp và Anh dưới biển, dài 50km... Công nghệ TBM đào và làm đường hầm bằng phương pháp khoan, nghiền đá, không gây nổ, vận chuyển đá đào ra ngoài bằng băng chuyền nên thi công nhanh, chính xác, an toàn, hiệu quả. Thiết bị TBM 390E được Công ty TNHH Máy xây dựng Việt Nhật nhập về cùng Công ty CP Xây dựng 47 khai thác tại Việt Nam. Dự án mở rộng Thủy điện Đa Nhim là dự án đầu tiên sử dụng khoan hầm bằng thiết bị TBM 390E. |
Một số hình ảnh TBM 390E tại dự án Thủy điện Đa Nhim:
TBM đã dời vị trí tiến vào hầm |
Nhiều thiết bị phụ trợ hỗ trợ đưa TBM tiến vào hầm |
Rô bốt "khủng"TBM đang trực chiến ở cửa hầm để tiến vào |
Rô bốt TBM đã chui qua hầm tiếp tục tiến vào sâu hơn |
Kỹ sư nước ngoài kiểm tra thiết bị TBM. |
Chuyên gia người Đức, Ông Franz Ferdlinand Stamms giám đốc TBM người Đức (ông trực tiếp về VN hỗ trợ kỹ thuật) kiểm tra TBM390E. |
TBM đang di chuyển vào đoạn bê tông 7,5m |
Anh em kỹ sư, công nhân Công ty 47 nỗ lực trong công tác chuẩn bị TBM chạy, nằm sâu trong hầm núi đá lạnh, ầm ướt. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận