Hạ tầng

Chính thức thông xe cầu Thịnh Long nối liền hai bờ Ninh Cơ

28/05/2020, 10:58

Sáng nay (28/5), Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh Nam Định tổ chức lễ thông xe, đưa vào khai thác cầu Thịnh Long...

img
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cùng các đại biểu cắt băng thông xe, đưa vào khai thác cầu Thịnh Long

Phát lệnh cắt băng thông xe, đưa vào khai thác cầu Thịnh Long, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đánh giá cao sự nỗ lực, chủ động của Ban QLDA Thăng Long, đơn vị tư vấn, thi công, mặc dù quá trình thi công gặp nhiều khó khăn do phải đảm bảo giao thông trên tuyến đường thủy huyết mạch Ninh Cơ, nền địa chất phức tạp, chịu tác động lớn của mưa lũ nhưng vẫn đưa công trình hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng, quy chuẩn với công nghệ kỹ thuật tiên tiến.

Theo Thứ trưởng Đông, từ trước đến nay, giao thông kết nối giũa hai huyện Hải Hậu và Nghĩa Hưng (Nam Định) chủ yếu bằng phà, việc đi lại của người dân rất khó khăn, mất nhiều thời gian chờ đợi.

“Cầu Thịnh Long hoàn thành, đưa vào khai thác không chỉ là niềm vui của chính quyền, nhân dân tỉnh Nam Định mà còn là niềm vui, tự hào của tập thể cán bộ, người lao động ngành GTVT nói chung. Việc hoàn thành cây cầu còn mang ý nghĩa nghĩa lớn chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 và là minh chứng cho tình hữu nghị sâu sắc giữa Hàn Quốc và Việt Nam”, Thứ trưởng Đông nói và cho rằng, với việc thông xe, đưa vào khai thác cầu Thịnh Long, khả năng kết nối các tỉnh trong khu vực tuyến đường ven biển như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nam Định sẽ được nâng cao, tiết kiệm được chi phí cho phương tiện vận tải.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng yêu cầu, thời gian tới, các cơ quan quản lý, khai thác phối hợp chặt chẽ với địa phương, cơ quan chức năng tổ chức giao thông, đảm bảo ATGT đường bộ, đường thủy, bảo dưỡng duy tu để khai thác hiệu quả công trình.

img
Cầu Thịnh Long đưa vào khai thác không chỉ tăng khả năng kết nối giao thông nội tỉnh Nam Định mà còn kết nối hệ thống giao thông huyết mạch của khu vực ven biển Đồng bằng Bắc Bộ

Ông Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết, xác định cầu Thịnh Long là công trình quan trọng, ngay sau khi dự án được Bộ GTVT phê duyệt, UBND tỉnh Nam Định đã chỉ đạo hai huyện Nghĩa Hưng và Hải Hậu tập trung tổ chức thực hiện công tác GPMB để bàn giao cho chủ đầu tư và nhà thầu thi công.

“Với vị trí giao cắt của nhiều tuyến giao thông huyết mạch như QL21, QL21B, tỉnh lộ 490, đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và nằm trên tuyến đường bộ ven biển đoạn đi qua tỉnh Nam Định, cầu Thịnh Long đưa vào khai thác, không chỉ tăng cường khả năng kết nối giao thông nội tỉnh mà còn kết nối hệ thống giao thông huyết mạch của khu vực, mở ra nhiều cơ hội phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ trong vùng kinh tế biển của tỉnh Nam Định và khu vực ven biển Đồng bằng Bắc Bộ”, ông Nghị nói.

Để phát huy hiệu quả đầu tư dự án, lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định cũng đề nghị Bộ GTVT sớm bàn giao công trình cho tỉnh quản lý. “UBND tỉnh Nam Định sẽ giao Sở GTVT và hai huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu chỉ đạo các tổ chức khai thác, vận hành, duy tu thường xuyên, quản lý tốt hành lang công trình để đảm bảo ATGT, phát triển KT-XH”, ông Nghị cho hay.

img
Cầu Thịnh Long được khởi công từ tháng 1/2018, đến nay, sau 27 tháng thi công đã hoàn thành, đảm bảo các điều kiện để thông xe

Trước đó, ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết, dự án đầu tư xây dựng cầu Thịnh Long vượt sông Ninh Cơ trên địa bàn tỉnh Nam Định dài 2.359,6m, điểm đầu giao cắt với QL21 (thuộc địa phận xã Hải Châu, huyện Hải Hậu, Nam Định), điểm cuối giao cắt với Tỉnh lộ 490C (thuộc địa phận xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định). Dự án có tổng mức đầu tư 1.158 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ODA từ Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) và vốn đối ứng trong nước. Công trình do liên danh Hanshin Engineering and Construction Co.,Ltd - Công ty CP Cầu đường Long Biên là nhà thầu xây lắp.

Về mặt kỹ thuật, cầu Thịnh Long gồm 19 nhịp có tổng chiều dài cầu là 988m. Trong đó, kết cấu 3 nhịp chính dùng dầm hộp liên tục bằng bê tông cốt thép dự ứng lực dài 300m và kết cấu nhịp dẫn gồm 16 nhịp sử dụng dầm Super-T bê tông cốt thép dự ứng lực, mặt cầu rộng 12m với hai làn cơ giới và 2 làn xe thô sơ, vận tốc thiết kế 80km/h.

“Dự án được phát lệnh khởi công vào tháng 1/2018, đến nay, sau 27 tháng thi công, các hạng mục của dự án đã hoàn thành, đáp ứng các điều kiện để thông xe, đưa vào khai thác”, ông Roãn thông tin.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.