Tổng thống Mỹ Donald Trump kiên quyết không chấp nhận kết quả bầu cử Mỹ
Bức thư của 10 cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ được đăng tải trên tờ Washington Post ngày 4/1, theo giờ VN, giữa lúc cuộc bầu cử Mỹ sắp đến thời điểm quyết định nhưng đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn không chấp nhận kết quả.
Lá thư ngỏ có chữ ký của 10 Bộ trưởng bao gồm: Dick Cheney, James Mattis, Mark Esper, Leon Panetta, Donald Rumsfeld, William Cohen, Chuck Hagel, Robert Gates, William Perry và Ashton Carter, thể hiện quyết tâm hiếm thấy của các vị cựu quan chức quân đội nhằm phản đối nỗ lực lật lại kết quả bầu cử của ông Donald Trump trước khi Quốc hội mở phiên họp toàn thể, kiểm đếm lại phiếu đại cử tri trong cuộc bầu cử Tổng thống 2020 vào ngày 6/1 tới.
Các Bộ trưởng viết: “Cuộc bầu cử đã diễn ra. Toàn bộ những thủ tục tái kiểm và xác nhận phiếu đều được thực hiện. Toà án các cấp đã giải quyết những thách thức pháp lý phù hợp. Thời gian để nghi ngờ kết quả bầu cử đã qua. Đây là lúc để chính thức kiểm lại phiếu đại cử tri, đã được quy định trong quy chế và Hiến pháp”.
Trong thư, 10 Bộ trưởng đại diện cho ngành quốc phòng của nước Mỹ trong hàng chục năm lịch sử, viết rằng: "Quy trình chuyển giao giữa các tổng thống là một phần quan trọng làm nên thành công của chuyển giao quyền lực. Những khoảng thời gian này, thế giới mơ hồ về quan điểm và chính sách an ninh quốc gia của Mỹ. Đây có thể là thời điểm quốc gia dễ bị tổn thương khi các đối thủ tìm cách lợi dụng tình hình".
Cuối thư, các cựu Bộ trưởng kêu gọi Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ kiềm chế trước mọi hành động mang tính chính trị, có thể gây ảnh hưởng tới kết qủa bầu cử hoặc gây tổn hại tới việc chuyển giao chính quyền mới.
“Chúng tôi kêu gọi Bộ Quốc phòng hãy làm những điều mà nhiều thế hệ người Mỹ đã làm trước đó. Hành động cuối cùng này phù hợp với truyền thống cao nhất và sự chuyên nghiệp của các lực lượng vũ trang Mỹ cũng như lịch sử chuyển giao dân chủ tại đất nước của chúng ta”.
Trước đó, có nhiều thông tin đồn đoán cho rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết không chấp nhận kết quả bầu cử, có thể đi đến quyết định thiết quân luật.
Nhưng, khi được hỏi về phản ứng trước các thông tin rò rỉ trên, Lầu Năm Góc khẳng định cơ quan này không liên quan tới kết quả bầu cử và từ chối giải quyết những cuộc khủng hoảng hậu bầu cử hoặc bàn bạc về việc thiết quân luật, yêu cầu chuyển câu hỏi tới Nhà Trắng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận