Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Hàng không VN Phạm Viết Thanh |
Nâng cao vị thế quốc gia
Chính phủ vừa trình Quốc hội dự án đầu tư xây dựng CHK quốc tế Long Thành. Ông đánh giá thế nào về dự án này?
Trước hết, phải khẳng định việc mở rộng, phát triển CHK phải đồng bộ với tốc độ phát triển của thị trường vận tải hàng không (VTHK) và chiến lược phát triển đội bay của quốc gia. Đây là yếu tố quyết định đến sự phát triển cũng như khả năng đóng góp của VTHK đối với nền kinh tế - xã hội của đất nước. Vì vậy, năng lực hạ tầng sân bay đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngành VTHK nói riêng là vô cùng cần thiết.
Hơn nữa, trong bối cảnh cạnh tranh điểm đến và cạnh tranh cửa ngõ đang được các nước trong khu vực đẩy mạnh để thu hút du lịch, đầu tư cũng như nâng cao vị thế và hình ảnh quốc gia, việc xây dựng CHK trung chuyển đủ lớn, hiện đại và có chất lượng dịch vụ cao để nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia là một trong những ưu tiên hàng đầu. Tân Sơn Nhất hiện là CHK cửa ngõ chính, không chỉ của TP HCM mà còn là của toàn bộ khu vực Nam bộ. Tuy nhiên, với năng lực hiện có, Tân Sơn Nhất chắc chắn sẽ quá tải, trong khi đó CHK này không thể mở rộng do nằm gọn trong lòng thành phố.
Tôi cho rằng, việc quyết định đầu tư xây dựng CHK quốc tế Long Thành là cần thiết trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh quốc gia như hiện nay.
Việc xây dựng CHK quốc tế Long Thành có ý nghĩa như thế nào với một thành viên liên minh SkyTeam như Vietnam Airlines?
Do điều kiện cơ sở hạ tầng của CHK Tân Sơn Nhất, năng lực tiếp nhận, thông qua còn hạn chế, khó có khả năng phát triển thành cửa ngõ chính của khu vực. Chính vì vậy, Vietnam Airlines nói riêng, các hãng hàng không trong nước nói chung sẽ rất khó để có thể cạnh tranh với các hãng nước ngoài và các liên minh hàng không khác trong khu vực. Việc xây dựng CHK quốc tế Long Thành với năng lực thông qua lớn, là CHK trung chuyển của khu vực sẽ tạo điều kiện cho Vietnam Airlines, các hãng hàng không trong nước tăng năng lực cạnh tranh của mình.
Ngoài ra, theo kinh nghiệm của các hãng hàng không trên thế giới, đặc biệt đối với các hãng hàng không quốc gia, việc xây dựng và phát triển các CHK căn cứ (home base) với cơ sở hạ tầng cung ứng dịch vụ đồng bộ có vai trò hết sức quan trọng đối với việc phát triển của hãng hàng không cũng như thúc đẩy sự phát triển của chính CHK được chọn làm căn cứ.
Là hãng hàng không quốc gia với mô hình kinh doanh hàng không truyền thống, khai thác mạng (network carrier), để có thể phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh với các hãng hàng không trong khu vực, Vietnam Airlines cần có đủ cơ sở hạ tầng cho việc cung ứng các dịch vụ đồng bộ tại các CHK trong nước để chủ động và đảm bảo chất lượng dịch vụ cung ứng cho khách hàng và các đối tác trong liên minh SkyTeam.
Vì vậy, việc xây dựng CHK quốc tế Long Thành với quy mô lớn, hiện đại và có khả năng mở rộng, phát triển là vô cùng quan trọng đối với Vietnam Airlines, các hãng hàng không trong nước, cũng như SkyTeam trong việc cạnh tranh cửa ngõ với các liên minh khác (như cạnh tranh với cửa ngõ Singapore, Bangkok của liên minh hàng không Star Alliance; với cửa ngõ Hongkong của liên minh hàng không OneWorld,…). Theo chiều ngược lại, sự phát triển của Vietnam Airlines, các hãng hàng không trong trước, cũng như sự hợp tác ngày càng sâu rộng của các hãng hàng không trong liên minh SkyTeam sẽ góp phần gia tăng năng lực cạnh tranh cho CHK quốc tế Long Thành so với các sân bay cửa ngõ khác trong khu vực.
Phối cảnh nhà ga hành khách CHK quốc tế Long Thành |
Khai thác song song hai CHK
Cơ quan chức năng đã khẳng định, CHK quốc tế Long Thành (nếu được Quốc hội thông qua) và CHK quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ song song hoạt động. Là người đứng đầu hãng hàng không lớn nhất tại Việt Nam, theo ông, làm thế nào để có thể khai thác hiệu quả nhất cả hai CHK này?
Với quy mô thị trường hiện tại cũng như theo các dự báo về tốc độ phát triển của ngành Hàng không VN (theo dự báo của IATA, Việt Nam sẽ là một trong những thị trường hàng không có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong thời gian tới), việc duy trì khai thác CHK quốc tế Long Thành và Tân Sơn Nhất là cần thiết, ít nhất là cho đến khi CHK quốc tế Long Thành hoàn tất giai đoạn 3 (năm 2030).
Hiện tại, rất nhiều thành phố lớn trên thế giới đang duy trì khai thác hai hoặc nhiều CHK cùng lúc; trong đó một số thành phố như: Seoul, Tokyo, Thượng Hải, Bangkok… đang duy trì khai thác một CHK trong thành phố và một CHK ở thành phố lân cận tương tự như kế hoạch khai thác song song hai CHK Tân Sơn Nhất và Long Thành.
Từ kinh nghiệm của hai mô hình trên, dưới góc độ của một hãng hàng không, theo tôi, để khai thác hiệu quả hai CHK chúng ta cần có kế hoạch và định hướng phối hợp khai thác giữa hai CHK một cách rõ ràng, cụ thể ngay từ đầu để tận dụng tối đa lợi thế của từng CHK. Tân Sơn Nhất hiện tại và Long Thành sau này đều có những lợi thế riêng. Trong đó, Tân Sơn Nhất có lợi thế gần thành phố còn sân bay Long Thành ngoài việc có quy mô lớn, hiện đại, còn được quy hoạch tổng thể ngay từ đầu cho sự phát triển lâu dài.
Kế đó, cần đảm bảo khả năng kết nối với các loại hình vận tải đa phương thức tới hai CHK này cũng như khả năng kết nối dễ dàng giữa hai CHK. Một trong những yêu cầu quan trọng đối với một CHK hiện đại là cơ sở hạ tầng giao thông kết nối với các phương tiện vận tải khác như đường bộ, đường sắt để việc di chuyển đến/từ các khu vực khác được dễ dàng và thuận tiện. Ngoài ra, để đảm bảo phối hợp sử dụng cùng lúc hai sân bay như nêu trên, việc đảm bảo kết nối giữa hai CHK để hành khách di chuyển được dễ dàng, thuận tiện cũng rất quan trọng.
Cảm ơn ông!
Thanh Bình (Thực hiện)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận