Bộ trưởng Đinh La Thăng thừa uỷ quyền của Thủ tướng đọc Tờ trình xin ý kiến Quốc hội về đầu tư dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành |
Rõ hơn nhiều điểm
Tờ trình đã làm rõ hơn 12 điểm như sự phù hợp của Báo cáo đầu tư so với các Luật liên quan mới được sửa đổi, ban hành; sự cần thiết đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; so sánh giữa việc lựa chọn đầu tư Long Thành với các công trình giao thông khác; quy mô Dự án và phân kỳ đầu tư, vấn đề GPMB và ảnh hưởng đến cuộc sống người dân; hiệu quả đầu đầu tư...
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết dự án đặt mục tiêu xây Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Long Thành từng bước đạt cấp 4F (theo phân cấp của ICAO) với vai trò là cảng cửa ngõ lớn và quan trọng bậc nhất của quốc gia, dự kiến sẽ trở thành một trong những trung tâm trung chuyển vận tải hàng không tại khu vực Đông Nam Á. Đồng thời, để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không khi sân bay Tân Sơn Nhất đạt công suất thiết kế và trở nên quá tải.
Về phân kỳ đầu tư, dự kiến chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 đầu tư nhà ga hành khách công suất 25 triệu khách/năm, nhà ga hàng hóa công suất 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm, 2 đường cất hạ cánh song song có cấu hình đóng, nhằm chia sẻ sự quá tải cho Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Giai đoạn 1a xây dựng nhà ga chính có 1 nhánh trung tâm, 1 đường cất hạ cánh đáp ứng lượng hành khách 17 triệu khách/năm, mở cửa vào năm 2023. Giai đoạn 1b xây dựng hai cánh còn lại của nhà ga chính trung tâm và đường cất hạ cánh thứ hai, mở cửa vào năm 2025.
Giai đoạn 2, nhà ga hành khách công suất 50 triệu khách/năm, nhà ga hàng hóa công suất 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm, thêm một đường cất hạ cánh, mở cửa vào năm 2030.
Và giai đoạn sau cùng xây dựng nhà ga hành khách đạt công suất 100 triệu khách/năm, nhà ga hàng hóa công suất 5,0 triệu tấn hàng hóa/năm, 4 đường cất hạ cánh.
Theo báo cáo của Chính phủ, với cơ cấu vốn như trên, nợ công sẽ bị tác động theo hai kịch bản: Với mức vay ODA khoảng 2,279 tỷ USD (giai đoạn I) theo cơ chế Chính phủ vay và cho doanh nghiệp vay lại, tự trả nợ thì tác động lên nợ công sau năm 2022 chỉ ở mức 0,091%, còn giai đoạn 2016-2019 là “không đáng kể”. Nếu dùng vốn vay từ ODA (2,279 tỷ USD) và ngân sách 768,9 triệu USD thì tỷ lệ tác động lên nợ công sau năm 2022 vào khoảng 0,0975%. |
Việc phân kỳ đầu tư Giai đoạn 1 của Dự án thành các giai đoạn 1a và 1b ở thời điểm hiện nay là cần thiết nhằm rút ngắn thời hạn đưa công trình vào khai thác, đáp ứng nhu cầu vận chuyển trong từng giai đoạn, qua đó nâng cao hiệu quả đầu tư; Giảm áp lực vốn đầu tư trong tình hình khó khăn về vốn thông qua việc giảm chi phí xây dựng ban đầu; Kết hợp khai thác, tận dụng được cơ sở hạ tầng sẵn có tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Về tiến độ thực hiện, dự kiến Giai đoạn 1a đưa vào khai thác năm 2023. Giai đoạn 1b dự kiến việc nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư sẽ được thực hiện trong khi thực hiện đầu tư Giai đoạn 1a, dự kiến hoàn thành toàn bộ Giai đoạn 1 của Dự án và đưa vào khai thác năm 2025 (công suất 25 triệu hành khách, 1,2 triệu tấn hàng hoá/năm).
Tiến độ thực hiện Dự án sẽ được điều chỉnh cho phù hợp khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án.
Hơn 7,8 tỷ USD cho giai đoạn 1
Về tổng mức đầu tư và phương án huy động vốn, Tờ trình nêu rõ khái toán tổng mức đầu tư Giai đoạn 1 của Dự án khoảng 7,837 tỷ USD (tương đương 164.589 tỷ đồng). Vốn đầu tư cho dự án sẽ gắn với các dự án đầu tư các hạng mục cụ thể, theo nguyên tắc Nhà nước chỉ đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư phần kết cấu hạ tầng không có khả năng thu hồi vốn; khuyến khích đầu tư vào các hạng mục thành phần dịch vụ khai thác, có khả năng thu hồi vốn đầu tư.
Cơ cấu nguồn vốn dự kiến vốn Nhà nước (vốn ngân sách, trái phiếu Chính phủ, ODA...) giai đoạn 1 là 84.624 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1a là 57.857,7 tỷ đồng (khoảng 48,65% khái toán tổng mức đầu tư). Vốn huy động khu vực ngoài nhà nước (vốn doanh nghiệp, cổ phần, liên doanh liên kết, hợp tác công tư (PPP) là 79.965 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1a là 61.052,6 tỷ đồng (51,35% khái toán tổng mức đầu tư).
Theo báo cáo, sau khi cập nhật lại chi phí giải phóng mặt bằng thì vốn đầu tư từ ngân sách cho giai đoạn 1a là 21.849 tỷ đồng (giảm 2.000 tỷ so với dự tính trong báo cáo trước đây).
Ngoài vốn ODA, sẽ thu hút vốn tư nhân đầu tư dự án
Theo báo cáo của Chính phủ, dự án nếu được triển khai sẽ huy động vốn ODA từ Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á hoặc từ Chính phủ các nước như Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Hàn Quốc thông qua các cơ quan thực hiện ODA như JICA, AFD, EDCF…
Về nguồn vốn thông qua các dự án PPP, BOT, Tờ trình nêu rõ: Dự án thuộc danh mục dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài đến năm 2020 tại Quyết định số 631/QĐ-TTg ngày 29/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ do vậy sẽ tạo điều kiện để các nhà đầu tư trong và ngoài nước nghiên cứu đầu tư vào dự án. Hiện nay cũng đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và bày tỏ sẵn sàng hợp tác đầu tư vào các hạng mục của dự án dưới nhiều hình thức khác nhau như PPP, BOT… như tập đoàn ADPM của Pháp, các tập đoàn Samsung, Công ty cảng hàng không Incheon của Hàn Quốc, các tập đoàn của Nhật Bản…
Các nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân còn được dự kiến huy động thông qua việc tiến hành cổ phần hóa Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam. Đồng thời kêu gọi hãng hàng không và các nhà đầu tư tư nhân đầu tư vào các hạng mục có khả năng thu hồi vốn cao (nhà ga hàng hóa, trạm nhiên liệu, hệ thống cấp điện bên ngoài, hệ thống cấp nhiệt, viễn thông…).
Như vậy, về cơ bản, việc xác định nguồn vốn và giải pháp huy động vốn đã đáp ứng yêu cầu ở giai đoạn lập Báo cáo đầu tư.
Ngay sau khi Bộ trưởng Đinh La Thăng kết thúc phần báo cáo Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Thiện Anh - Minh Thành
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận